Sâm dứa
Ưa nắng nhiềuMô tả
Lá dứa hay còn gọi là sâm dứa thường được sử dụng trong ẩm thực để làm tăng hương thơm và mùi vị của các món ăn. Không chỉ vậy, trong y học cổ truyền, chúng còn được ứng dụng để điều trị các bệnh lý về thần kinh, huyết áp… Để hiểu hơn về những lợi ích mà loài thực vật này mang lại, mời các bạn cùng Mộc Nhiên tham khảo qua bài viết dưới đây.
- Tên khoa học: Pandanus Amaryllifolius
- Tên tiếng Anh: Pandan
- Tên gọi khác: cây dứa thơm, cây lá nếp, cây lá dứa nếp, cây lá nếp thơm, cây lá thơm, cây lá cơm nếp
Đặc điểm của cây lá dứa
- Lá dứa thuộc loại cây bụi, cao khoảng 40 – 50cm, chỉ có rễ và thân.
- Phần thân cũng chính là phần lá có độ rộng 2 – 4cm, mọc thành nhiều nhánh nhỏ dựng đứng hình lưỡi mác, xòe tròn ra xung quanh.
- Mỗi lá có chiều dài khoảng 40 – 50m, hình mác, mỏng, dài, không có gai. Mép lá không có răng cưa. Mặt trên sẫm màu và nhẵn bóng, mặt dưới nhạt màu, có gân và đôi khi có một lớp lông mỏng phủ lên.
- Lá cây tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng, thanh mát như mùi cốm nếp. Lá càng khô thì mùi thơm sẽ càng nồng.
- Cây sâm lá dứa không ra hoa nên cũng không có quả.
Nguồn gốc của cây sâm lá dứa
Cây sâm lá dứa có thể được tìm thấy ở những quốc gia có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và cả Việt Nam.
Hiện nay khó có thể tìm thấy lá dứa mọc hoang nhưng không vì vậy mà nguồn cung của loại cây này khan hiếm. Do chúng khá dễ trồng và phát triển tốt ở những khu vực có độ ẩm cao nên loại cây này dần trở nên phổ biến và có mặt ở khắp cả nước.
Phân loại cây lá dứa và cây khóm
Nếu không phải là người am hiểu, rất khó để phân biệt cây sâm dứa (lấy lá) và cây khóm (lấy quả). Dưới đây là cách để phân loại 2 loại cây này một cách ngắn gọn:
- Cây khóm còn có tên gọi khác là cây thơm, thuộc loại cây cho quả, lá dày cứng. Mép lá có răng cưa, 2 mặt lá sẫm màu. Nếu không cẩn thận rất dễ bị thương khi sờ vào lá khóm.
- Phần lá của cây sâm dứa không có răng cưa và mỏng hơn nhiều. Hai mặt lá xanh nhạt, khi đứng gần có thể ngửi thấy mùi thơm đặc trưng, nghe như mùi cơm nếp.
Công dụng chung của sâm lá dứa
Loại cây này là một loại hương liệu tự nhiên và tốt lành. Chúng hay được sử dụng trong ẩm thực. Khi chế biến sẽ có mùi thơm như cốm, gạo nếp.
Không chỉ vậy, chỉ cần đi ngang qua một cây sâm dứa cũng ngửi thấy hương thơm dịu nhẹ, thanh mát mà cây tỏa ra.
Ngoài việc được sử dụng để chế biến các món xôi, món tráng miệng… thì chúng còn có một số công dụng khác trong việc chữa bệnh. Trong Đông Y, sâm lá dứa được coi là một loại thảo dược không độc, có mùi đặc trưng. Chúng thường được sấy khô để đảm bảo chất lượng dược liệu và đễ bảo quản.
Tác dụng của lá dứa theo Đông Y
Trị đau nhức và mỏi cơ bắp
Sau khi vận động liên tục trong một thời gian dài, cơ thể thường rất dễ đau nhức. Chỉ cần một ly nước sâm dứa cũng có thể khiến các cơ bắp được thư giãn, giải tỏa cảm giác mệt mỏi.
Nước sâm dứa rất tốt cho phụ nữ sau sinh
Phụ nữ sau khi trải qua quá trình sinh nở thường rất yếu, cần phải được bồi bổ thêm. Không chỉ vậy, quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh cũng rất vất vả dễ gây ra hiện tượng stress hay mệt mỏi. Các loại nước trà có mùi thơm như sâm dứa có công dụng bồi bổ cơ thể, thư giãn tinh thần, giải tỏa căng thẳng.
Làm đẹp
Ngoài việc được sử dụng để điều trị và phòng bệnh, sâm dứa cũng thường xuyên được sử dụng để chăm sóc sắc đẹp.
Đối với những làn da nhạy cảm, dễ bắt nắng, có thể sử dụng nước sâm dứa để tắm. Cách dùng này giúp khôi phục những tổn thương trên làn da, ngăn ngừa viêm, nhiễm trùng da và loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ung thư da.
Sâm dứa chữa tiểu đường hiệu quả
Tạp chí Pharmacognosy của Thái Lan đã có một bài đăng vào năm 2015 chỉ ra rằng chiết xuất cây sâm dứa có thể giảm lượng đường huyết trong máu, cân bằng đường huyết và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Một số bài thuốc từ cây lá dứa
Các bài thuốc giải cảm, giải nhiệt
Bài thuốc giải cảm sốt, trị phong hàn
Chuẩn bị 1 nắm lá dứa tươi. Rửa sạch dược liệu và đun sôi cùng 2 lít nước. Sau khi nước đã nguội bớt thì có thể dùng để xông mình trong khoảng 20 phút.
Bài thuốc giúp thanh nhiệt cơ thể, giải nhiệt, lợi tiểu
- Chuẩn bị: lá dứa, đường phèn.
- Rửa sạch và cắt nhỏ sâm dứa đã được chuẩn bị rồi chia thành 2 phần bằng nhau.
- Phần đầu tiên thì cho vào máy xay sinh tố, đổ thêm chút nước rồi xay. Chắt lấy phần nước và bỏ phần bã.
- Phần sau thì bỏ vào nồi nước đun sôi cho thêm đường phèn để tạo độ ngọt.
- Sau khi phần nước trong nồi đã sôi được một khoảng thời gian thì tắt bếp để nguội.
- Sau đó đổ phần nước cốt chắt được lúc đầu vào đun tiếp một chút rồi tắt bếp.
- Uống nước lá dứa mỗi ngày để loại bỏ độc tố và thanh nhiệt cơ thể.
Các bài thuốc về da và tóc
Bài thuốc làm dịu da
Chuẩn bị lá sâm dứa, rửa sạch. Cắt dược liệu thành từng khúc đun với 2 lít nước và tắt bếp để nguội. Pha vào nước tắm mỗi ngày cho đến khi làn da quay trở về trạng thái bình thường.
Bài thuốc giúp nhuộm đen tóc
Chuẩn bị 7 lá sâm dứa tươi, nước trái nhàu. Rửa sạch, thái nhỏ và ngâm chúng trong một bát nước qua đêm. Dùng 3 thìa nước trái nhàu trộn chung với nước sâm dứa khuấy đều. Trước khi gội đầu thì thoa hỗn hợp trên lên da đầu rồi mát xa nhẹ trong 5 phút. Sau đó, xả lại bằng nước sạch. Lặp lại quá trình trên mỗi ngày để cảm nhận được hiệu quả rõ rệt.
Bài thuốc trị gàu da đầu đơn giản
Chuẩn bị 7 lá sâm dứa. Giã nát lá đã chuẩn bị rồi cho vào 100ml nước, khuấy đều rồi lọc lấy nước cốt. Thoa nước cốt trên lên da đầu và để trong khoảng 30 phút rồi dùng nước sạch để gội đầu. Dùng liên tục cho đến khi hết gàu.
Bài thuốc giúp bồi bổ sức khỏe và cải thiện tinh thần
Sử dụng trà lá dứa có thể kích thích cảm giác ngon miệng khi ăn. Uống một ly, mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối để tăng cường sức khỏe cho cơ thể.
Bài 1: chuẩn bị 3 lá dứa. Rửa sạch, thái nhỏ và sắc chúng với 3 bát nước. Khi lượng nước chỉ còn 2 bát thì tắt bếp. Uống trà sâm dứa ấm mỗi trưa để giúp tinh thần luôn được thư thái và tỉnh táo.
Bài 2: chuẩn bị 2 chiếc lá dứa. Sắc với một ly nước uống liền trong ngày. Hoạt chất tannin có trong sâm dứa có tác dụng giảm stress và cải thiện tâm trạng rất tốt.
Các bài thuốc về tiêu hóa
Bài thuốc giúp nhuận tràng đặc biệt với trẻ nhỏ
Khi trẻ nhỏ mắc phải các chứng bệnh có liên quan đến hệ tiêu hóa như khó tiêu, táo bón, đầy hơi… có thể cho các bé uống nước sâm dứa để cải thiện tình hình bệnh mà không cần phải sử dụng đến các loại thuốc khác.
Bài thuốc trị chứng chuột rút dạ dày
Chuẩn bị 4 lá dứa đã được rửa sạch, cắt khúc, một nửa củ gừng thái lát, 5 hạt bạch đậu khấu. Cho tất cả hỗn hợp trên vào nồi đun với 3 bát nước trong 10 phút. Khi dung dịch nguội bớt có thể cho thêm chút đường và uống khi còn ấm.
Các bài thuốc khác
Chữa viêm khớp dạng thấp, sưng khớp
Chuẩn bị 3 lá sâm dứa được rửa sạch, 1 bát dầu dừa nhỏ. Cắt sâm dứa được chuẩn bị thành khúc. Đun nóng dầu dừa và cho sâm dứa vào, khuấy đều rồi để nguội. Đắp sâm dứa vào vùng bị sưng đau, chà xát nhẹ trong khoảng 15 phút. Tiếp tục sử dụng phương thức này cho đến khi khỏi hẳn.
Hạ đường huyết, ổn định đường trong máu
Chuẩn bị 10 lá dứa đã được phơi khô. Cho dược liệu đã được chuẩn bị đun cùng 2,5 lít nước. Khi lượng nước còn lại 2 lít thì tắt bếp. Chi thành 3 phần uống trước bữa ăn 30 phút. Sử dụng liên tục trong 1 tuần.
Phòng chống đái tháo đường
Chuẩn bị lá dứa đã được rửa sạch và phơi khô. Cắt nhỏ, đun cùng với nước để uống thay nước mỗi ngày. Nên uống 1 lít mỗi ngày để ngăn ngừa nguy cơ mắc đái tháo đường.
Bài thuốc chữa đau nhức răng, viêm nướu răng
Chuẩn bị 1 lá sâm dứa. Ngâm trong nước muối pha loãng rồi cắt thành từng khúc nhỏ. Mỗi khi đau răng có thể nhai lá trên để giảm đau. Nước được tiết ra khi nhai cũng có thể chữa hôi miệng, giúp hơi thở thơm hơn.
Công dụng của sâm dứa theo y học hiện đại
Người ta tìm thấy bên trong sâm dứa mùi hương rất đặc trưng mà các loại cây dứa dại khác không có. Nguồn gốc của mùi thơm này đến từ sự oxy hóa một loại enzym không bền mà chỉ loại cây này mới có.
Mặt khác, nước, chất xơ, alkaloid, glycosides, 3-metyl-2(5H)-furanon, 2-axetyl-1-pyrrolin… là những thành phần tạo nên sự đặc biệt cho loại cây này và có tác dụng:
- Chữa các loại bệnh liên quan đến xương khớp, tê mỏi tay chân, nóng khớp, viêm thấp khớp, viêm đa khớp, gout.
- Thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, lợi tiểu, trị phong hàn.
- Giảm tress, an thần, chống trầm cảm, kích thích hệ thần kinh.
- Cân bằng lượng đường huyết trong cơ thể, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Chăm sóc da đầu, làm đẹp tóc, khiến tóc đen, bóng, trị nắng cháy da…
Sử dụng lá dứa trong ẩm thực
Trà sâm dứa – thức uống vàng cho cơ thể
Trà sâm dứa không quá khó để làm. Có thể sử dụng sâm dứa tươi hay sâm dứa khô đều được.
Sâm dứa tươi
Rửa sạch, cắt nhỏ và đun với 3 bát nước. Tắt bếp khi lượng nước còn 2/3 và ngửi thấy mùi thơm tỏa ra.
Sâm dứa khô
Đun 10 – 15gr sâm dứa khô với 3 bát nước. Cũng tương tự như lá tươi, khi lượng nước 2/3 thì có thể tắt bếp.
Trà sâm dứa khi uống sẽ có mùi thơm đặc trưng và hơi chát.
Món ăn ngon từ lá dứa
Do enzym trong sâm dứa tạo ra một mùi rất đặc biệt, nên chúng thường được sử dụng để giúp các món ăn thơm và ngon miệng hơn. Một số món ngon phổ biến nhất có thể kể đến sữa chua thạch lá dứa, chè dừa non sâm dứa, xôi lá dứa.
Lá dứa được dùng để gói bánh, nấu chè, hoặc cho vào nồi xôi hấp để xôi có hương thơm thật hấp dẫn. Nếu muốn xôi có màu xanh, có thể xay nhuyễn hoặc giã nát lá, lấy nước cốt rồi ngâm với gạo nếp. Xôi chín không chỉ đẹp mà còn rất thơm.
Lá dứa còn được tận dụng để tạo màu cho các loại kem, mứt, siro. Đây là một nguyên liệu tạo màu và tạo mùi tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe.
Những điều cần lưu ý khi dùng lá dứa
- Khi sử dụng sâm dứa để chữa bệnh hay chăm sóc sắc đẹp phải kiên trì, sử dụng đều đặn để có tác dụng rõ rệt.
- Hiệu quả lên cơ thể mỗi người còn tùy thuộc vào cơ địa nên phải hỏi ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.
- Những người có huyết áp không ổn định, lao phổi… nên có sự tư vấn của bác sĩ.
- Phụ nữ đang mang thai cũng có thể sử dụng sâm dứa, nhưng không nên dùng trong thời gian dài và cần phải hỏi ý kiến bác sĩ.
- Chỉ nên sử dụng 1 – 2 sâm dứa tươi mỗi ngày hoặc theo liều lượng được chỉ định của bác sĩ. Dùng quá liều trong thời gian dài dễ gây ra hiện tượng tụt đường huyết.
- Nên ngâm sâm dứa tươi trong nước muối trước khi sử dụng để khử trùng, làm sạch bụi đất và hóa chất bám trên cây.
Cách trồng và chăm sóc cây lá dứa
Đất trồng
Sâm lá dứa có thể thích nghi trên nhiều loại đất và môi trường khác nhau. Đất thịt pha cát, nhiều mùn, có độ thoát nước tốt là loại đất tối ưu nhất để cây phát triển thật tốt.
Yêu cầu về nước
Đây là loại cây ưa ẩm nên cần phải tưới nhiều hơn các giống cây khác. Giai đoạn mới đem cây về trồng, cần bổ sung thêm lượng nước tưới để kích thích khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây.
Phân bón
Sau khi trồng được khoảng 15 ngày thì bón lót đợt đầu bằng phân hữu cơ. Sau mỗi đợt thu hoạch lá thì bón một lần để kích thích cây mọc ra đợt lá mới nhanh hơn.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây sâm lá dứa rất ít khi gặp phải sâu bệnh. Tuy nhiên, vẫn cần để ý nếu cây có dấu hiệu lạ để chữa bệnh kịp thời. Cần cắt tỉa bớt những lá quá già, bị dập nát hoặc đã chuyển màu vàng.
Bộ phận sử dụng, cách chế biến, bảo quản dược liệu
- Sâm dứa có thể được thu hoạch quanh năm để làm dược liệu.
- Những lá nào già, dài, dày, sẫm màu thì đã đáp ứng đủ điều kiện để thu hoạch. Có thể sử dụng tươi hoặc phơi khô để đều được.
- Sau khi thu hoạch, cần rửa sạch cho bụi đất bám trên lá rơi hết.
- Để ráo nước ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp. Cần giữ sao cho lá có màu xanh lục thì đạt yêu cầu.
- Khu vực bảo quản sâm dứa khô cần khô ráo, thoáng mát, không có ánh nắng chiếu vào và không được ẩm.
Tổng kết
Cây sâm lá dứa thường có trong các món ăn hàng ngày. Chúng khá dễ trồng và có thể thu hoạch quanh năm. Vừa có nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, vừa dễ chế biến thành nhiều loại thực phẩm khác nhau, sâm dứa nên có mặt trong mọi khu vườn.
©Copyright by Moc Nhien Farm