Giao hàng toàn quốc, được kiểm tra trước khi thanh toán. Đảm bảo cây sống và không gãy. Hướng dẫn chăm và tên cây được gửi cùng đơn hàng. Liên hệ: 0922 90 90 22

Hoa đậu biếc

Ưa nắng nhiều
20,000₫ / cây 15 cm (hình 2)
- +

Có sẵn: 2

Mô tả

Hoa đậu biếc màu xanh, có khi hơi ngả tím đậm. Cây rất sai hoa và ra hoa quanh năm. Cây phát triển nhanh, độ che phủ rộng, thân leo cuốn mềm mại. Hoa có tác dụng tốt cho sức khỏe, được sử dụng làm trà, tạo màu tự nhiên cho các món ăn. Ở bài viết này, Mộc Nhiên Farm tổng hợp những điều cần biết nhất trước khi sử dụng hoa đậu biếc như một món giải khát hàng ngày. 

  • Tên khoa học: Clitoria ternatean
  • Tên tiếng Anh: Butterfly pea, Blue pea, Asian pigeonwings,  Bluebellvine,  Cordofan pea, Darwin pea
  • Tên gọi khác: đậu hoa tím, bông biếc

 

Giới thiệu về hoa đậu biếc

Nguồn gốc và phân bố

Cây đậu biếc có nguồn gốc từ Châu Á. Cây không đòi hỏi cao về môi trường sống. Ngược lại, rất dễ chịu và hầu như ở đâu cũng mọc lên được. Vì vậy, cây nhanh chóng lan ra nhiều đất nước khác nhau. 

Đặc điểm cây đậu biếc

  • Cây đậu biếc là cây leo, các cành cực kỳ mảnh. Tua leo cuốn rất mạnh, thân chính hóa gỗ, độ che phủ rộng. Chiều cao của cây có thể tới 10m. 
  • Thân khi non màu xanh, về già chuyển nâu. Cây phân nhiều nhánh mềm, dễ uốn.
  • Lá có hình bầu dục, màu lá không quá đậm. Kích cỡ nhỏ và bản lá mảnh, nổi rõ gân lá. Dây cuốn mềm mại đong đưa làm cho giàn hoa thêm quyến rũ.

Cây cực kỳ khỏe mạnh.

  • Với đặc tính leo rất khỏe, cây phù hợp trồng hàng rào, giàn leo. Nếu không có giàn để leo, cây cũng có thể quấn vào các cột thành ụ hoa lá xum xuê. Nhiều người trồng lấy bóng mát hoặc trang trí, đều phù hợp.
  • Hoa nổi tiếng với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Chúng còn có nhiều ứng dụng trong ẩm thực.
  • Cây có quả thuôn dài màu nâu, có hạt. Quả nhìn như quả đậu ván, dài khoảng 4 đến 13cm, hạt rất dễ lên cây con. Hạt chứa những chất có thể gây hại, vì vậy được khuyến cáo không nên ăn hạt.

Quả và hạt của cây hoa đậu biếc.

Màu sắc và hình dáng hoa đậu biếc 

  • Hoa đậu biếc thường mọc ở nách lá, rất sai và ra hoa quanh năm. Hoa có 2 kiểu hình dáng: cánh đơn và cánh kép. Loại cánh đơn có hình dáng khá lạ, trông như con bướm ngược.
  • Màu xanh tím lạ mắt, khi sử dụng trong món ăn cho màu xanh biêng biếc.

Cận cảnh hình dáng hoa đậu biếc như hình cánh bướm ngược.

  • Có nhiều lý do để người ta muốn trồng cây đậu biếc. Trước là vì hoa cho màu xanh. Rất ít loài hoa có màu xanh này. Lý do thứ hai mà hầu hết ai cũng nghĩ tới là để tạo màu thực phẩm tự nhiên.
  • Hoa có cả màu trắng nhưng chỉ có màu xanh tím là phổ biến nhất.
  • Đối với loại xanh, màu có khi xanh biếc, hoặc hơi ngả xanh tím. Trồng một giàn đậu biếc giản dị mà như mang về cả một khung trời thơ mộng.

Đậu biếc có cả loại hoa màu trắng nhưng màu xanh phổ biến hơn nhiều.

Giá hoa đậu biếc khô 

Nắm bắt nhu cầu sử dụng của nhiều người, hoa đậu biếc khô hiện có giá khá cao. Khoảng 500.000/0,5kg, có nơi giá lên đến 1 triệu đồng. Trong khi đó, hoa đậu biếc tươi có giá thấp hơn nhiều, dao động từ 120.000 đến 200.000/0,5kg. 

Hoa khô có giá trị rất cao.

Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước cũng đưa hoa đậu biếc khô và bột hoa đậu biếc vào trong thị trường thương mại. Chúng được sử dụng rộng rãi ở các nước Đông Nam Á, trong đó đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan.

Công dụng của hoa đậu biếc

Hoa đậu biếc trị bệnh gì?

Flavonoid được công nhận là một hoạt chất chống oxy hóa tiềm năng. Chất này có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào trong cơ thể cũng như ngăn chặn sự đột biến của chúng. Vì vậy, còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Đây là một trong những chất có trong hoa đậu biếc, đem lại nhiều lợi ích.

Với tính chất cải thiện các tế bào của flavonoid và ngăn cản chất béo tích tụ trong nội tạng, hoa đậu biếc còn được sử dụng cho việc giảm cân, làm đẹp da và tóc. Ở Thái Lan, nhiều người sử dụng trà đậu biếc mỗi ngày như một cách làm đẹp.

Những tác dụng tốt của loài hoa xanh được cả thế giới công nhận.

Mộc Nhiên Farm tổng hợp lại một số tác dụng của hoa đậu biếc như sau:

  • Làm đẹp da, tóc
  • Giảm cân
  • Ngăn ngừa ung thư
  • Tăng cường miễn dịch
  • Có tính kháng khuẩn
  • Tốt cho tim mạch
  • Hỗ trợ người bệnh tiểu đường
  • An thần, giảm căng thẳng
  • Tốt cho mắt và não

Những thông tin trên mang tính tham khảo, không thay thế hướng dẫn của thầy thuốc.

Chứa nhiều hoạt chất tốt cho da: làm dịu, bổ sung collagen và elastin, chống viêm và se khít lỗ chân lông.

Ứng dụng của hoa đậu biếc trong lịch sử 

Hoa đậu biếc được sử dụng từ rất lâu đời và những thông tin này đều được ghi nhận lại. Chúng được coi là một loại thuốc truyền thống của Ayurvedic – phương pháp ưu dưỡng sinh trong y học Ấn Độ.

Trong phương pháp này, chúng được dùng như một chất tăng cường trí nhớ, chống trầm cảm, lo âu và có tác dụng an thần. Loài hoa này là 1 trong 4 loại thảo mộc làm sạch não và hệ thần kinh liên quan. Chiết xuất của chúng từ lâu đã gắn liền với các dược tính, bao gồm: kháng khuẩn, hạ sốt, chống viêm, giảm đau, ức chế kết tập tiểu cầu trong máu…Y học hiện đại đã xác nhận lại các dược tính này để tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm.

Loại thảo dược huyền bí trong phương pháp ưu dưỡng sinh (Ayurveda) của y học Ấn Độ.

Chúng còn được dùng trong nghi lễ Puja khi cầu nguyện với các vị thần và xin ban phước lành.

Ở Thái Lan, hoa đậu biếc nổi tiếng với tác dụng làm đẹp và để gội đầu. Chúng còn được thay thế cho thuốc nhuộm tóc hóa học. Nhiều người sử dụng để trị rụng tóc và hói đầu. Những cách sử dụng này đều được lưu truyền từ lâu đời tới nay, và vì có hiệu quả nên tiếp tục được duy trì.

Dầu gội bông biếc.

Sử dụng trong ẩm thực 

Bông biếc có thể dùng làm nhiều món giải khát khác nhau. Đơn giản nhất là làm nước uống. Nước hoa đậu biếc gần như không có mùi vị, hơi ngai ngái mùi cỏ khô mới cắt. Có thể thêm mật ong hoặc đường phèn nếu muốn ngọt hơn.

Cũng có nhiều cách chế biến cầu kỳ, như trà sữa hoa đậu biếc, macchiato. Dù là cách nào thì việc ủ trà cũng qua các công đoạn như nhau:

  • Hoa tươi rửa sạch.
  • Đun sôi nước.
  • Để nước nguội khoảng 10 phút, sau đó cho hoa vào ủ.
  • Khi hoa phai màu xanh ra nước, lọc lấy xác hoa.
  • Phần nước này sẽ được chế biến tiếp với whipping cream, sữa, bột sữa, chanh, hạt chia, sả, lá bạc hà… hoặc các loại trân châu và topping khác. Tùy theo nguyên liệu mà sẽ có các thức uống khác nhau.

Một cách chế biến cầu kỳ từ hoa đậu biếc.

Cũng có khi rất đơn giản là đã có một ly nước mát rượi.

Nếu muốn đổi màu, thêm hoa atiso đỏ để có màu đỏ. Số lượng hoa atiso đỏ sẽ quyết định nước có màu đỏ hoặc đỏ cam. Muốn nước có màu xanh ngọc hoặc xanh lá, thêm vào vài muỗng nước rau bina. 

Món ăn phổ biến là xôi hoa đậu biếc màu xanh, cơm, mứt bánh hoặc rau câu màu xanh. Đây cũng là một trong những ưu điểm phổ biến nhất của hoa đậu biếc: tạo màu thực phẩm tự nhiên.

Trà hoa đậu biếc 

Cách sử dụng hoa đậu biếc tươi 

Nếu sử dụng tươi, chỉ cần rửa sạch và ngâm trong nước nóng ở nhiệt độ 70 – 90 độ C. Hoa sẽ phai ra màu xanh. Phần nước màu xanh này dùng để tạo màu cho các món ăn, pha trà, chế biến các thức uống giải khát.

Phơi bông biếc.

Cách làm trà hoa đậu biếc

Hoa đậu biếc sau khi hái có thể đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Đến khi hoa xoăn lại thì đem vào. Chỉ nên cất vào hũ thủy tinh sau khi hoa đã hoàn toàn nguội. Nếu còn ấm nóng mà cất kín hoa sẽ hấp hơi và nhanh bị ẩm mốc. Cũng có thể sấy hoa bằng lò nướng khi thời tiết ngoài trời không thuận lợi. Bỏ vào ngăn mát tủ lạnh cũng là một cách bảo quản hoa tươi. Vài ngày sau hoa sẽ héo dần và thành hoa khô được trữ trong ngăn mát. 

Cách chọn trà hoa đậu biếc

Nếu nhà bạn không trồng đậu biếc thì khi mua trà hoa ở ngoài, cần lưu ý chọn trà hoa có những đặc điểm sau:

  • Hoa có màu xanh đậm, chỉ nhạt dần về phía cuống.
  • Các bông có màu như nhau, không chênh lệch quá nhiều về màu sắc.
  • Trà có mùi thơm phảng phất.
  • Khi ngâm trong nước cho màu xanh nhạt, và màu sắc này không bị phai dần dù nước nguội bớt hay để lâu.

Hoa để pha nước nên đậm và đều màu.

Uống trà hoa đậu biếc đúng cách

Trà đậu biếc có tác dụng giảm căng thẳng, màu sắc mang lại cảm giác thư giãn, dễ chịu. Vì vậy, chúng rất được chuộng dùng.

Cách đơn giản nhất để pha trà là thả hoa vào nước nóng. Hoa sẽ phai ra màu xanh nhạt hòa vào nước. Nếu muốn màu sắc chuyển tím, có thể thêm nước cốt chanh hoặc tắc. Vì độ pH thay đổi sẽ tạo màu sắc khác.

Trà hoa.

Không nên pha trà đậu biếc bằng nước quá nóng, vì sẽ làm hương vị trà bớt thơm ngon và hoa không đủ chất lượng. Nếu nước quá nguội thì hoa không kịp tiết hết hương vị và các chất có trong nó. Trà chỉ nên được chế với nhiệt độ khoảng 75 – 90 độ C.

Không nên uống trà khi đã hãm quá lâu. Khi đó, trà sẽ bị oxy hóa, vi khuẩn sẽ sinh sôi. Vì vậy, không chỉ mất đi vị thơm ngon của trà mà còn không tốt cho sức khỏe người dùng.

Uống hoa đậu biếc lúc nào tốt nhất?

Có nhiều thông tin về thời điểm vàng để uống trà hoa đậu biếc. Trong đó đa phần khuyên nên uống vào 3 – 5h chiều là tốt nhất. Ngoài ra, không nên uống khi bụng đói.

Hoa khô đóng gói.

Có nên uống trà đậu biếc mỗi ngày không?

Tuy hoa đậu biếc tốt cho sức khỏe và hiện có nhiều người uống mỗi ngày để đẹp da nhưng không nên lạm dụng quá nhiều. Mỗi tách trà cũng chỉ nên dùng khoảng 2 bông là đủ.

Tác hại của hoa đậu biếc

Những lưu ý cần thiết khi uống trà hoa đậu biếc

Có một số phản hồi về việc không nên sử dụng trà hoa đậu biếc. Chủ yếu các trường hợp này đã sử dụng quá nhiều, dẫn đến những kết quả không mong muốn. Tuy loài hoa xanh này nổi tiếng với những ưu điểm về dược tính nhưng việc sử dụng quá nhiều được nhiều bác sĩ cảnh báo.

Nguyên nhân chính là vì chất anthocyanin (thuộc nhóm flavonoid) trong bông biếc chỉ nên uống ở mức 640 milligam mỗi ngày. Quy chiếu ra số lượng hoa thì tương đương với  5 – 10 bông hoặc 1 – 2gr hoa khô.

Những lưu ý khi dùng

Ngoài ra, anthocyanin là chất gây ức chế tiểu cầu. Đây là một tác dụng tốt để ngăn ngừa các tế bào phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, trong một bản tin trên kênh VTV, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương (chuyên khoa tiêu hóa - gan mật, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM) có cảnh báo về một vài nguy cơ nếu sử dụng không đúng cách. Trong đó, bác sĩ nhấn mạnh 3 vấn đề sau:

  • Phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh: chất anthocyanin có tác dụng lên thành tử cung gây co bóp mạnh hơn. Việc sử dụng quá liều có thể gây sảy thai.
  • Những người bị bệnh hay bị bầm, dễ chảy máu hay những người đang uống thuốc chống đông: hoa đậu biếc tương tác với thuốc gây rối loạn đông máu, làm chảy máu nặng hơn.
  • Trong ẩm thực, việc dùng hoa đậu biếc nhuộm màu thực phẩm khá an toàn. Có thể xem trà hoa đậu biếc như một loại nước uống giải khát. Tuy vậy, không nên uống quá nhiều, uống bằng mọi giá để làm đẹp.

Anthocyanin là một hoạt chất chống oxy hóa tiềm năng thường có trong thực phẩm đậm màu, ở hoa đậu biếc chúng có hàm lượng cao so với nhiều loại trái cây, rau củ khác. Vì vậy, cần lưu ý hàm lượng dùng phù hợp.

Một số hoạt chất khác trong hoa đậu biếc

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bay giảng viên đại học Y Dược TP.HCM, trong công trình nghiên cứu ở Ấn Độ (mới chỉ thử trong phòng thí nghiệm, chưa thử trên người), có thông tin rằng hoa đậu biếc không có độc và sử dụng liều lượng lớn cũng không gây độc gì cả. Tuy nhiên, loài hoa này còn chứa các thành phần như saponin, flavonoid, blue proanthocyanidin. Có nhiều thông tin ghi lại các thành phần này góp phần làm tăng hoạt động của máu làm cho dễ chảy máu. 

Vì vậy, dù nghiên cứu khoa học của Ấn Độ cho rằng nó không gây độc nhưng chúng ta cũng nên thận trọng. Đặc biệt người có thai, đang trong giai đoạn hành kinh, người đang dùng các thuốc chống đông máu thì không nên sử dụng. Còn đối với người bình thường, liều lượng thấp nhiều khả năng là không gây độc.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người huyết áp thấp và người chuẩn bị phẫu thuật cũng cần lưu ý nếu có sử dụng loại hoa này. Bên cạnh đó, việc mua hoa khô không rõ nguồn gốc, quy trình bảo quản cũng khá rủi ro. Nếu vườn có không gian, nên tự trồng và không phun thuốc. Cây đậu biếc vừa phù hợp để trang trí vừa là nguyên liệu ẩm thực, cũng rất dễ trồng.

Hoa khô cần được phơi đúng cách.

Hoa đậu biếc có gây tiêu chảy không?

Một số người dùng thắc mắc về việc sử dụng hoa đậu biếc bị buồn nôn và tiêu chảy. Có 2 lý do dẫn đến điều này:

  • Sử dụng quá liều lượng cho phép.
  • Sử dụng nhầm hạt và rễ. Tuyệt đối không được sử dụng hạt của cây đậu biếc vì chúng có chất độc.

Theo TS.BS Trương Thị Ngọc Lan  phó giám đốc viện Y Dược Học Dân Tộc TP.HCM, mỗi ngày chỉ nên sử dụng 5 – 10 bông để hãm trà. Dùng lượng lớn dẫn đến tác dụng phụ là gây ra tiêu chảy, cũng không nên sử dụng trong thời gian quá lâu.

Một loài cây có nhiều dược tính tốt thường sẽ được tin cậy sử dụng trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, không nên dùng trà hoa đậu biếc thay thế nước lọc để dùng cả ngày. Bất kỳ việc lạm dụng quá liều nào cũng có thể gây ra những kết quả ngoài mong đợi. Mộc Nhiên Farm tổng hợp những ưu điểm và nhược điểm của hoa đậu biếc từ nhiều nguồn trong và ngoài nước. Nếu cần sử dụng thường xuyên hay dùng để chữa bệnh, vui lòng tham khảo hướng dẫn của thầy thuốc.

Tuy rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải loại thuốc trị bách bệnh. Cần có hướng dẫn của thầy thuốc khi muốn điều trị bệnh.

Cách trồng hoa đậu biếc

Gieo hạt

Cây đậu biếc có thể nảy mầm dễ dàng từ hạt. Tỷ lệ thành công rất cao. Có 4 cách gieo hạt: 

  • Xới nhẹ đất, thả hạt và lấp lại tưới ẩm
  • Gieo hạt trong bầu đất rồi đem trồng
  • Ủ hạt bằng khăn giấy ẩm cho lên mầm rồi thả vào đất
  • Thậm chí chỉ cần thả hạt vương vãi cũng có thể nảy mầm.

Khi cây con xuất hiện, để bảo đảm an toàn, nên chuẩn bị cho cây một “ngôi nhà” mới với những cách chăm sóc đơn giản.

Cây đậu biếc rất dễ nảy mầm từ hạt.

Đất trồng và ánh sáng 

Cây đậu biếc hoàn toàn không kén chọn đất trồng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn bón lót thì Mộc Nhiên Farm khuyến khích bạn dùng phân hữu cơ hoai mục để giữ được chất lượng đất trồng.

Cây chịu nắng nóng khá tốt nên gần như không phải quan tâm nhiều. Vào mùa nóng, cần chú ý tưới nước để cây không bị héo rũ, dễ rụng hết lá, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng. Sức phát triển của cây rất tốt và nhanh nên việc quan trọng cần làm tiếp theo là làm giàn cho chúng leo.

Cây đậu biếc bắt đầu trưởng thành.

Cách làm giàn cho cây đậu biếc 

Khi cây đậu biếc bắt đầu phát triển tua cuốn, cần làm giàn để cây có chỗ bám. Có thể làm giàn chữ A hoặc làm khung giàn theo kiểu bầu bí. Nếu trồng chậu, cách đơn giản nhất là cắm cọc rồi cho cây tự cuốn vào các cọc quanh viền chậu. Nếu vị trí cây đặt ở cổng, tường rào, cây có thể tự quấn vào cột.

Giàn xum xuê lá hoa.

Bón phân

Cây rất dễ chịu, chỉ cần sau mỗi đợt hoa, bón bổ sung cho cây là đủ. Cũng nên chú ý tỉa cành để cây phát triển mạnh nhánh chính.

Kết luận

Hồi xưa, thỉnh thoảng mẹ hay cầm nón qua xin hàng xóm ít bông hoa về phù phép làm thành một bữa cơm màu xanh. Mãi sau này mới biết đó là hoa đậu biếc. Các bạn có muốn đem phép màu về cho lũ trẻ ở nhà thì mua ngay cây đậu biếc về nhà trồng nghen. Một hôm nào đấy được ăn một bát cơm màu xanh, uống một thứ nước cũng màu xanh, hẳn là nhiều người ngạc nhiên lắm.

Bạn muốn có một bữa cơm với màu sắc xinh xinh thế này không?

©Copyright by Moc Nhien Farm

Sản phẩm đề xuất

Hết hàng
Hết hàng

0₫

Hết hàng
Hết hàng
 Hoa đậu biếc
 Hoa đậu biếc
 Hoa đậu biếc
 Hoa đậu biếc
 Hoa đậu biếc
 Hoa đậu biếc
 Hoa đậu biếc
 Hoa đậu biếc
 Hoa đậu biếc