Giao hàng toàn quốc, được kiểm tra trước khi thanh toán. Đảm bảo cây sống và không gãy. Hướng dẫn chăm và tên cây được gửi cùng đơn hàng. Liên hệ: 0922 90 90 22

Cây lộc vừng hồng A1

Ưa nắng nhiều
70,000₫ / cây 30 cm (hình 2)
- +

Có sẵn: 2

Mô tả

Đặc biệt hơn cây hoa lộc vừng đỏ, màu hồng phấn có những chuỗi hoa dài gần 1m. Hoa rất thơm, có thể tỏa hương tới 10m. Cây mang ý nghĩa phúc lộc dư tràn, được ưa làm bonsai mini hoặc trồng chậu. Nếu thả đất có thể cao tới 8 – 10m khi trồng lâu năm. Đây là loại cây phong thủy, có nhiều ý nghĩa rất giá trị đối với người dân Việt Nam. Làm thế nào trồng và chăm sóc cây lộc vừng ra hoa dịp Tết? Hãy cùng Mộc Nhiên tìm hiểu nhé!

  • Tên khoa học: Barringtonia Acutangula
  • Tên tiếng Anh: Freshwater mangrove
  • Tên gọi khác: lộc mưng, cây chiếc

 

Cây lộc vừng – đặc điểm nhận biết

Đặc điểm chung về thân và lá cây lộc vừng

Lộc vừng thuộc dạng cây thân gỗ được trồng lâu năm. Cây có chiều cao trung bình từ 2 – 5m, những cây lộc vừng cổ thụ có thể cao lên tới 10m. Kích thước của chúng tùy thuộc vào môi trường sống.  Cách chăm sóc khác nhau thì sẽ cho ra những cây có đường kính gốc khác nhau.

Lộc vừng màu hồng.

Nếu cây sống ở trong môi trường tự nhiên, nơi có không gian rộng thì đường kính thân lớn từ 40cm trở lên. Đường kính thân sẽ giảm đi nhiều nếu cây được trồng trong các chậu cảnh. Những cây lộc vừng càng có tuổi thọ lâu đời thì kích thước thân càng lớn, phần thân cây sẽ bị sần sùi, màu xám chuyển sang nâu. Ngoài ra, phần vỏ còn bong ra thành từng mảng dạng chữ nhật, với những cành khẳng khiu đan xen vào nhau.

Cây lộc vừng.

Cây lộc vừng.

Lá lộc vừng khá to và có dạng hình trứng thuôn dài. Lá có nhiều gân nổi lên rất rõ ở mặt dưới lá. Hai mặt lá khá khác nhau: mặt trên có màu xanh và bóng, mặt dưới màu trắng xanh. Tán lá phát triển mạnh, các cành của cây cổ thụ đan vào nhau tỏa bóng mát khi trời nắng và làm thành chiếc ô khi trời mưa.

Cây cho quả và sự hình thành quả theo quá trình như dưới đây:

Quá trình biến đổi từ hoa thành quả.

Nét đặc trưng của hoa lộc vừng hồng

Hoa của cây lộc vừng khá nhỏ so với những loài cây khác. Chúng có màu hồng nhạt và tỏa ra hương thơm thoang thoảng ngọt ngào. Hoa mọc thành chùm thẳng dài và rủ xuống giống dây pháo ngày Tết. Vì thế, hoa là nét thú vị nhất mà mọi người chú ý đến đầu tiên.

Chuỗi hoa lộc vừng màu hồng.

Chuỗi hoa lộc vừng màu hồng.

Tùy thuộc vào môi trường sống và khí hậu mà cây có thể nở hoa quanh năm. Đối với khí hâu nước ta thì hoa thường nở vào mùa Tết và kéo dài tới đầu thu. Khi hoa tàn sẽ tạo thành quả, cũng thành một chuỗi dài như dây hoa.

Phân bố

Cây lộc vừng có khả năng sinh trưởng cực kỳ nhanh, phát triển tốt trên mọi địa hình khác nhau vì thế mà cây được phân bố rộng rãi trên khắp cả nước. Cây thường được trồng chủ yếu tại các ven biển và vùng đất ngập mặn ở miền Nam. Ở nước ngoài, chúng chủ yếu xuất hiện ở khu vực Nam Á và Bắc Úc.

Cây được phân bố ở nhiều nơi trong và ngoài nước, đặc biệt tại vùng đất ngập mặn.

Phân loại

Cây lộc vừng có 4 màu chính, trong đó màu hồng và đỏ phổ biến nhất, hai màu còn lại là vàng và trắng:

Các màu sắc chính của cây lộc vừng: đỏ, hồng, trắng, vàng.

Cây lộc vừng đỏ

Theo quan niệm dân gian thì màu đỏ tượng trưng cho hỷ sự, đem lại niềm vui và may mắn. Vì vậy, hoa lộc vừng đỏ hay được đặt trong sân vào dịp Tết. Cùng với đó là hương thơm thoang thoảng từ hoa, có khả năng thanh lọc không khí.

Điều làm người ta chú ý nhất so với các loại khác là lộc vừng đỏ cho quả có hình tròn, khi ra hoa có màu đỏ vô cùng sặc sỡ, trông rất bắt mắt. Khi gió thoảng qua, những đóa hoa rơi xuống, phủ một lớp thảm đỏ xinh xắn trên nền đất.

Loại này có lá nhỏ, hoa cũng nhỏ hơn, không thơm bằng loại màu hồng trong bài viết này. Dây hoa ngắn hơn so với loại màu hồng.

Lộc vừng hoa đỏ.

Cây lộc vừng hồng

Hoa của chúng nở theo từng chùm màu hồng phớt, mùi thơm thoang thoảng rất dễ chịu. Loại màu hồng này có lá lớn hơn, kích thước hoa cũng lớn hơn, mùi hương thơm nổi bật hơn loại màu đỏ. Những chuỗi hoa có thể dài tới 1m hoặc hơn – dài hơn so với hoa đỏ. Loại hoa màu hồng có nhiều loại với các sắc độ khác nhau: màu hồng phớt (bài viết này), màu hồng nhạt và màu hồng đậm.

Loại màu hồng nhạt, hoa nhỏ và lá cũng nhỏ.

Loại màu hồng đậm.

Cây lộc vừng bông vàng và bông trắng

Hai loại này mới xuất hiện ở Việt Nam và còn khá hiếm. Loại cây cho bông màu trắng có lá dày lớn hơn và bóng đậm hơn loại màu đỏ. Hoa lớn hơn nhiều nhưng không thơm. Cây cho bông màu vàng cũng thành chuỗi dài, màu vàng nhạt. Loại màu vàng rất hiếm. Ở Việt Nam, màu đỏ và hồng vẫn là hai màu được chuộng trồng nhất.

Lộc vừng bông vàng.

Ở nơi có khí hậu lạnh, lộc vừng sẽ rụng hết lá trước mùa đông. Cây lộc vừng đỏ trước khi rụng hết lá thì toàn bộ lá chuyển qua màu đỏ. Còn loại cho hoa màu trắng thì lá chuyển sang màu vàng rồi rụng hàng loạt.

Lộc vừng bông trắng.

Cây chiếc bàng

Loại cây này cùng họ với lộc vừng, ra hoa khá giống nên đôi khi bị nhầm lẫn. Chúng còn có tên là cây bàng bí hoặc cây bàng vuông. Điểm khác biệt lớn nhất là chúng ra hoa theo cụm ở đầu cành, không tạo thành chuỗi như lộc vừng.

Loài cây này có thân cây cao lớn, có thể cao tới 20m. Tán lá rộng, xum xuê nên thường được cho mục đích trang trí và cung cấp những khoảng bóng râm. Cây chiếc có khả năng chịu hạn và chịu mặn khá tốt, chính vì thế mà chúng chỉ sinh sống tại những khu rừng ngập mặn, hay bên cạnh bờ biển dọc theo khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Quả của cây chiếc không mọc ra từ hoa mà được đơm từ cành cây. Quả lớn và có dạng hình hộp riêng biệt. Đây cũng là điểm nhận diện rất dễ so với những loại lộc vừng khác.

Cây chiếc bàng có hoa giống lộc vừng nhưng không tạo thành chuỗi.

Tại sao nhiều người trồng cây lộc vừng?

Cây lộc vừng có tán lá rộng nên thường được trồng phổ biến ở công viên hay khuôn viên nhà, đường phố... Chúng tạo bóng mát và là “lá phổi xanh” giúp thanh lọc không khí cực tốt.

Với hình dáng độc đáo và đẹp đẽ, cây lộc vừng còn được trồng nhiều để làm cây cảnh trong gia đình, làm quà tặng tân gia, khai trương… mang hàm ý may mắn, phát lộc đến với người nhận.

Cây lộc vừng hồng để trang trí sân nhà và các con đường, khu du lịch.

Cây lộc vừng hồng để trang trí sân nhà và các con đường, khu du lịch.

Cách trồng và chăm sóc cây lộc vừng

Phương pháp nhân giống

Có nhiều phương pháp trồng như trồng bằng hạt, giâm cành và chiết cành. Tuy nhiên, giâm cành và chiết cành là 2 phương pháp phổ biến nhất. Nhân giống bằng hạt cho năng suất thấp vì tỷ lệ nảy mầm không cao và thời gian sinh trưởng lâu hơn rất nhiều.

Nhân giống cây lộc vừng.

Chiết cành giúp cây mau ra hoa sớm, giữ được nhiều đặc tính tốt và cho dáng cây đẹp nên phương pháp này được ưu tiên lựa chọn hơn.

Ngoài ra, nếu muốn rút ngắn thời gian nhân giống, có thể mua cây giống có sẵn về trồng. Cách này tăng khả năng sống sót và phát triển nhanh hơn những cách còn lại.

Các hình thức nhân giống cho cây.

Kỹ thuật chiết cành lộc vừng

  • Chọn những cành bánh tẻ, vỏ phải dày và còn tươi xanh, độ dài 40 – 60cm.
  • Khoanh bóc vỏ cành của cây khoảng 5cm.
  • Cạo sạch lớp nhờn mỏng trên gỗ tại vùng vừa bóc vỏ, lau sạch.

Tách vỏ để bó bầu.

  • Bó bầu – dùng giá thể trộn lẫn trấu và xơ dừa rồi bó lại tại vị trí vừa khoanh. Giá thể dùng để bó phải ẩm để chúng được nén chặt, không bị bung ra. Chiều dài bầu chiết khoảng 10 – 12cm là vừa đủ.
  • Bọc một lớp đất tại vị trí chiết cành bằng băng quấn nilon. Không băng quá chặt hay quá lỏng, chỉ băng vừa phải để có thể dễ dàng quan sát ở chỗ bầu đất có bị mất nước không.

Bó bầu ở khu vực đã tách vỏ.

  • Sau khoảng 1,5 – 2 tháng, cành chiết bắt đầu có rễ nhú ra. Khi rễ chuyển từ màu trắng nõn sang trắng ngà hoặc hơi xanh thì có thể cưa cành và trồng vào chậu riêng.

Cách trồng cây lộc vừng hồng trong chậu

Chọn chậu trồng

Chậu phải có kích thước phù hợp với cây, đáy chậu phải sâu vì sau một thời gian rễ cây trồng sẽ phát triển. Bởi đặc tính của cây lộc vừng là sống trong vùng đầm lầy, nơi ngập nước nên nhiều người lầm tưởng và sử dụng chậu không có lỗ dẫn đến cây bị úng nước, thậm chí cây sẽ chết. Do đó, người trồng nên chọn những chậu có lỗ thoát nước mới đảm bảo được sự phát triển của cây.

Cây trồng trong chậu phát triển rất tốt với kích thước vừa phải.

Kỹ thuật trồng cây

  • Khi bứng hoặc mua nhánh lộc vừng về trồng, nên chọn những cây già. Tỉa bớt những cành khô gãy hoặc còn non, để tránh va chạm khi vận chuyển. Vặt bớt lá để tránh mất nước.
  • Phải bó phần gốc lại để tạo độ ẩm cho cây, có thể sử dụng các chất kích thích rễ hay chất điều hòa sinh trưởng giúp cây mau phát triển hơn.
  • Chọn chậu cây có màu sắc và kích thước phù hợp với cây trồng. Khi trồng ngoài vườn thì nên đào 1 hố có độ sâu và đường kính phù hợp đủ để đặt cây vào.

Trồng cây con trong chậu.

  • Đặt một mảng lưới nhỏ ở dưới đáy chậu, để khi đổ đất vào không bị rớt ra ngoài qua những lỗ thoát nước. Sau đó cho than củi hoặc sỏi vào trong chậu để chúng thoát nước tốt.
  • Đổ tiếp một lớp đất bằng 2/3 chậu, đặt cây vào chính giữa chậu và dùng tay nén chặt đất giúp cho cây trụ vững.
  • Đổ tiếp cho đến khi đầy chậu hoặc hố, sau đó nén phần đất sao cho cây không bị nghiêng.

Trồng cây lộc vừng lớn.

  • Tưới một lượng nước vừa đủ để cung cấp độ ẩm cho cây, nên dùng vòi tưới nhỏ giọt hoặc bằng bình xịt. Vì đất còn mới dễ bị mềm và rửa trôi ra, không giữ vững được cây.

Đất trồng

Tuy cây lộc vừng có khả năng sinh trưởng trên mọi điều kiện đất trồng, nhưng để cây có thể sinh trưởng nhanh, tốt thì người dùng nên lựa chọn các loại đất có đủ chất dinh dưỡng. Tốt nhất là nên chọn đất mùn có pha cát hoặc phân chuồng ủ mục. Ngoài ra còn có thể dùng đất thịt trộn thêm trấu hun, mùn dừa, xơ dừa và phân trùn quế.

Đất giàu dinh dưỡng là tiêu chuẩn hàng đầu để cây nở hoa.

Nước tưới

  • Cây lộc vừng thuộc giống cây ưa ẩm ở mức trung bình, nên duy trì mức tưới với tần suất khoảng 2 lần mỗi ngày, vào sáng sớm và khi chiều tà.
  • Vào những ngày nắng, cây cần được tưới nhiều nước hơn và giảm tưới vào những ngày mưa.
  • Khi tưới, người trồng nên tưới xung quanh để cây có thể hấp thụ nước đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Hạn chế tưới vào ban đêm vì nước đọng lại trên lá tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây hại cho cây.

Tưới cây theo nhu cầu và thời tiết.

Dinh dưỡng

Đối với cây trồng trong chậu thì phân bón là yếu tố quan trong nhất, nhưng cũng không vì thế mà bón quá nhiều phân cho cây. Người trồng chỉ nên bón phân cho cây 1 lần trong khoảng từ 3 – 4 tháng. Khi bón không nên bón quá gần gốc và bón quá nhiều phân. Trường hợp bón quá nhiều, cây sẽ không hấp thụ hết được chất dinh dưỡng, thậm chí có thể gây sốc cây.

Bón phân cho cây lộc vừng 3 - 4 tháng 1 lần.

Ánh sáng

Đây là loại cây ưa sáng. Nên đặt cây ở những nơi thoáng mát, có nhiều ánh sáng. Khi cây còn non tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp. Khi cây lớn có thể đặt ở những nới có ánh sáng cao mà không cần lo ngại.

Các loại bệnh thường gặp ở cây lộc vừng

Bệnh đốm lá

Bệnh đốm lá trên cây lộc vừng hồng.

Ban đầu, trên lá xuất hiện những đốm li ti màu nâu hoặc đen. Sau đó lan rộng ra cả lá, dần sẽ chuyển sang màu vàng và lan ra các lá khác. Bệnh sẽ xâm nhập từ những lá già trước rồi mới lan dần ra những lá còn lại.

Bệnh đốm lá gây ra những hậu quả nghiêm trọng khiến cây chậm phát triển, rụng lá. Lâu dần dẫn đến cây bị héo và chết.

Để đề phòng trường hợp này, hạn chế bón phân quá nhiều và không để phân dính trên mặt lá, tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

Bệnh héo lá

Hiện tượng héo và vàng lá.

4 nguyên nhân chính dẫn tới bệnh này là thiếu chất, thời tiết khắc nghiệt, úng nước và bị ngộ độc phân bón. Lá bị héo và dần chuyển sang màu vàng. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng rụng lá cả cây.

Nếu do cây thiếu dưỡng chất hoặc thiếu nước, hãy cung cấp cho cây ở mức vừa đủ, không quá nhiều cho cây. Nếu do thời tiết thì hãy mang cây ra khỏi những nơi có nhiệt độ cao.

Bệnh sâu đục thân

Loài sâu đục thân này có thể khoét hết phần ruột của thân và làm phần thân đó chết dần.

Trong giai đoạn đầu, cây có hiện tượng héo khi gặp ánh sáng cao và tươi trở lại khi trời mát. Ngoài ra, trên thân và cành xuất hiện những lỗ tròn, xung quanh còn có phân sâu màu đen hoặc mùn gỗ màu nâu trắng. Lâu dần, phần thân này sẽ bị khô héo và chết.

Sâu đục lá là 1 loại bệnh hay gặp, cũng rất khó chữa trị nếu phát hiện trễ. Vì thế, nên thường xuyên tỉa cành lá định kỳ cho cây, giúp loại bỏ những cành sâu bệnh, ngăn không cho lây lan ra những cành khác.

Cắt tỉa bớt lá bị sâu ăn.

Kích thích ra hoa bằng cách xiết nước

Cách này chỉ dùng cho những cây lộc vừng đang sinh trưởng tốt. Bắt đầu cắt nước không tưới trong vòng 5 – 7 ngày, giúp cây chuyển sang giai đoạn phân hóa mầm hoa. Khi cây có dấu hiệu vàng lá thì chỉ tưới nhẹ đủ ẩm, sau đó vặt hết lá. Khi cây bắt đầu ra lá non thì mới tưới nước đầy đủ cho cây. Sau đó bón phân để cung cấp dưỡng chất cho nụ và hoa.

Việc xiết nước sẽ kích thích cây trổ hoa đồng loạt.

Vị trí trồng lộc vừng

Dựa vào những giá trị mà cây lộc vừng mang lại thì nên trồng lộc vừng ở trước nhà, ở vị trí bên trái hoặc bên phải. Tránh để ở giữa lối đi vì theo quan niệm xưa cho rằng, cửa là nơi đón các loại khí quy tụ nên nếu đặt ở giữa sẽ cản trở luồng vượng khí lưu thông vào nhà.

Cây còn mang lại bóng mát, giúp thanh lọc không khí và mang lại giá trị thẩm mỹ cao cho nhà ở. Khi ra hoa, mùi thơm từ hoa mang lại cảm giác thư giãn cho người chiêm ngưỡng.

Chuỗi hoa lộc vừng tượng trưng cho sự may mắn của gia chủ.

Nhiều người được khuyên nên trồng cây lộc vừng theo phong thủy. Thường thì các loại cây cổ thụ rất ít khi được trồng trong nhà. Theo lời dạy từ ông bà, những cây lâu năm sẽ tích tụ nhiều tà khí. Tuy nhiên, nhà nào mà có cây lộc vừng càng lâu chứng tỏ gia đình đó càng thịnh vượng, sung túc và phát đạt. Một phần cũng do sắc hoa (đỏ và hồng) tượng trưng cho sự may mắn. Sức sống mãnh liệt của cây đã mang đến luồng khí dương và giảm luồng khí âm cho gia chủ.

Ý nghĩa của cây lộc vừng hồng

Bộ tam đa: sung - lộc vừng - vạn tuế.

Loài cây này thuộc tam đa, gồm cây sung, cây lộc vừng và cây vạn tuế. Ba cây lần lượt tượng trưng cho phúc – lộc – thọ. Vì thế, việc trồng cây lộc vừng trong nhà còn thể hiện nét truyền thống văn hóa mà ông bà ta để lại.

Trong bộ tứ quý Sanh – Sung – Tùng – Lộc thì lộc vừng là cây cho hoa đẹp nhất, rộn ràng và khởi sắc nhất. Sắc hồng và đỏ của hoa mang đến nét rạng rỡ, tươi vui cho ngày Tết. Không chỉ được người người đua nhau mua về dịp xuân mà trong suốt một năm dài, người ta tìm cây này tặng làm quà mừng tân gia, mừng khai trương hồng phát. Có nhiều người tin nếu ngày khai trương mà rộ hoa thì công việc sẽ vô cùng thuận lợi.

Bộ tứ quý: sanh - sung - tùng - lộc.

Công dụng của cây lộc vừng đối với sức khỏe

Cây lộc vừng là loại dược liệu quý giá. Chúng có rất nhiều công dụng trong y học mà ít ai biết đến, như: điều trị cơ thể bị suy nhược, tóc bạc sớm. Các bộ phận của cây đều mang lại những công dụng khác nhau:

  • Lá hiệu quả đối với bệnh trĩ.
  • Rễ tuy có vị đắng nhưng chuyên dùng để bào chế thuốc trị sởi, viêm, nấm da và có tính thanh nhiệt.
  • Vỏ giúp làm ấm cơ thể, làm thuốc trị tiêu chảy và kiết lỵ rất hiệu quả.

Các bộ phận trên cây đều có dược tính tốt, tuy không phổ biến tại Việt Nam.

  • Quả thường được dùng để trị ho, hen suyễn, chữa chàm, đau răng. Có thể dùng nước ép của quả lộc vừng xanh để bôi chữa vùng da bị chàm.
  • Hạt có chứa thành phần tannin, dùng để kết hợp với một số loại thuốc khác điều trị tiêu chảy, kiết lỵ và đau mắt.

Quả và hạt lộc vừng.

Tuy nhiều công dụng như vậy nhưng người Việt Nam thích loại cây này chủ yếu vì ý nghĩa phong thủy và trang trí. Hầu như chúng không được dùng làm thuốc.

Tổng kết

Hoa lộc vừng hồng dù ở trên cây hay rớt xuống đất vẫn thơ mộng và đáng yêu vô cùng.

Thi thoảng bạn có thể sẽ ngỡ ngàng vì một thảm hoa màu hồng phấn rực rỡ trải rộng dưới một gốc cây gỗ lớn. Màu hoa lung linh như cả một biển mây ở trên mặt đất. Ngước lên, bạn sẽ càng bỡ ngỡ vì những chuỗi hoa dài đong đưa như chiếc mành kín đáo. Đó chính là cây lộc vừng hồng!

Cây thân gỗ to lớn này không chỉ loài cây trang trí giá trị mà còn có ý nghĩa phong thủy và được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, các ứng dụng mang tính y học chỉ nên làm theo khi có sự hướng dẫn của người có chuyên môn.

©Copyright by Moc Nhien Farm

Sản phẩm đề xuất

Hết hàng
Hết hàng
Hết hàng
Hết hàng

0₫

Hết hàng

0₫

Hết hàng
 Cây lộc vừng hồng A1
 Cây lộc vừng hồng A1
 Cây lộc vừng hồng A1
 Cây lộc vừng hồng A1
 Cây lộc vừng hồng A1
 Cây lộc vừng hồng A1
 Cây lộc vừng hồng A1
 Cây lộc vừng hồng A1
 Cây lộc vừng hồng A1
 Cây lộc vừng hồng A1