Lá mơ lông
Ưa nắng nhiềuMô tả
- Tên khoa học: Paederia Lanuginosa Wall.
- Tên tiếng Anh: Skunkvine, Stinkvine, Chinese fever vine
- Tên gọi khác: mơ lông, mơ tam thể
Lá mơ lông – những thông tin cần biết
Đặc điểm của lá mơ lông
- Lá mơ lông thuộc loại dây leo thân gỗ, sống lâu năm. Thân cây có màu xanh hoặc hơi tím, bên ngoài được phủ một lớp lông tơ trắng. Thân cây sẽ toát ra mùi đặc trưng khi bị dập. Mùi hương khá dễ chịu.
- Lá đơn, hình trứng, mọc đối xứng. Phiến lá dài 9 – 11cm, rộng 4 – 6cm. Mặt trên có màu xanh lục, mặt dưới có màu tím và được một lớp lông bao phủ ở cả hai mặt.
- Hoa thường mọc ở nách lá hoặc ngọn cành, dài khoảng 10 – 50cm và mọc thành từng cụm. Mỗi bông hoa mơ lông bé bé xinh xinh có 5 – 6 cánh đều, mặt ngoài màu tím, mặt trong có màu trắng.
- Quả hình cầu có đài màu vàng nâu, bóng.
Nguồn gốc của lá mơ lông
Cây mọc hoang ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Philippines và Myanmar. Tại Việt Nam, có thể dễ dàng tìm được lá mơ lông mọc hoang. Chúng được trồng làm thảo dược hay cây gia vị trên khắp cả nước. Cây thường mọc ở các bờ rào, bờ ao, bụi rậm…
Các loại lá mơ
Theo sách “Cây cỏ Việt Nam” và “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” thì ở nước ta có 5 loại lá mơ phổ biến.
- Mơ leo Paederia scandens
- Mơ tam thể, mơ lông Paederia lanuginosa
- Mơ thon, rau mơ Paederia consimilis
- Mơ trơn Paederia foetida
- Mơ rừng Paederia microcephala
Có thể dễ dàng phân biệt mơ lông với các loại khác nhờ vào đặc điểm lá. Hai mặt lá mơ lông đều có lông và phía sau có màu tía đặc trưng mà các loại mơ khác không có.
Ứng dụng của lá mơ lông
Y học cổ truyền
Theo y học dân gian, lá mơ lông được biết đến với vị đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực đạo trệ, trừ thấp tiêu thũng, trừ phong hoạt huyết, sát trùng.
Nhờ những đặc tính trên mà chúng được dùng để chữa phong thấp, đau nhức, kiết lỵ, đầy bụng, khó tiêu, mụn nhọt ở lưng…
Dưới góc nhìn y học hiện đại
Chất chống oxy hóa
Nghiên cứu ivivo trên chuột mắc tiểu đường đã chỉ ra rằng những hợp chất polyphenol có trong mơ lông làm giảm stress oxy hóa thông qua khả năng thu gom các gốc oxy hóa tự do và ngăn ngừa tế bào bị phá hủy.
Hạ đường huyết
Nhờ polyphenol tự nhiên có trong lá mơ lông nên các enzym thủy phân cacbohydrat có trong cơ thể người bị tiểu đường sẽ bị ức chế. Điều này góp phần làm giảm lượng đường huyết gia tăng sau khi ăn. Tác dụng này cũng rất có lợi trong việc điều trị tiểu đường.
Kháng khuẩn, kháng virus
- Dịch chiết ethanol từ lá có khả năng kháng vi khuẩn Helicobacter pylori và Bacillus pumilus.
- Nước sắc và dịch chiết cồn theo phương pháp nóng, lạnh ức chế Escherichia coil; iridoids và tinh dầu ức chế tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.
Bảo vệ gan
Dịch chiết lá làm giảm hàm lượng enzym chỉ thị chức năng gan. Thí nghiệm này được khảo sát trên chuột và cho thấy khả năng bảo vệ gan rất hiệu quả.
Chống tiêu chảy
Tác dụng chống tiêu chảy của lá mơ lông đã được chứng minh thông qua nghiên cứu trên chuột. Dịch chiết ethanol được cho rằng có thể giảm đáng kể nhu động của đường tiêu hóa.
Các bài thuốc sử dụng lá mơ lông
Bài thuốc liên quan tới hệ tiêu hóa
Trị giun, cải thiện hệ tiêu hóa
Chuẩn bị một nắm lá. Rửa sạch trong nước muối rồi ăn sống cùng với các món ăn khác hoặc giã lấy nước cốt uống. Sử dụng liên tục trong vài ngày để tình trạng được cải thiện. Có thể pha chung với các loại nước trái cây cho dễ uống.
Chữa lỵ thực trùng Shiga
Chuẩn bị 30 – 50gr lá mơ lông, 1 quả trứng gà. Rửa sạch lá rồi thái nhỏ trộn với trứng gà. Bọc hỗn hợp vào lá chuối rồi đem nướng hoặc rán trên chảo. Ngày ăn 2 – 3 lần liên tục từ 5 – 8 ngày.
Suy dinh dưỡng ở trẻ em
Chuẩn bị 20 – 25gr thân và rễ mơ lông tươi, dạ dày heo thái nhỏ. Bỏ hỗn hợp trên vào nấu chung với 1 lít nước cho đến khi cạn còn 2 chén nước. Chắt lấy phần nước còn sót lại và cho trẻ uống 2 lần một ngày.
Tiêu chảy
Chuẩn bị 30gr lá mơ lông. Sắc với nước, để nguội rồi chia làm 2 lần uống.
Các bài thuốc ngoài da
Nấm ngoài da, bệnh giời leo, chàm da, eczema
Chuẩn bị thân cây mơ lông. Rửa sạch, giã nát lấy nước cốt thoa vào vùng ngứa 3 – 4 lần một ngày.
Trị chấn thương ngoài da
- Bài 1: chuẩn bị 60gr rễ cây mơ lông tươi, rượu trắng. Sắc dược liệu chung với rượu trắng. Mỗi ngày uống 1 lần.
- Bài 2: chuẩn bị 1 nắm lá. Xay nhuyễn dược liệu và đắp vào vết thương.
Đau nhức xương khớp, phong thấp
- Bài 1: chuẩn bị 30 – 60gr thân và rễ mơ lông tươi, một chén rượu nhỏ. Sắc chung với 300ml nước và một chén rượu đã được chuẩn bị.
- Bài 2: chuẩn bị lá và thân cây mơ lông. Cắt thân và lá cây thành từng đoạn nhỏ tầm 2cm rồi sao vàng. Dùng 50gr hỗn hợp đã được sao vàng để sắc chung với 200ml nước. Đun cho tới khi nước cạn còn một nửa. Chia làm 3 phần uống hết trong ngày. Kiên trì sử dụng trong 10 – 15 ngày để thấy rõ được công hiệu của bài thuốc.
- Bài 3: chuẩn bị thân, lá, rượu trên 40 độ. Thái nhỏ dược liệu, đem đi sao vàng và ngâm vào rượu đã được chuẩn bị sẵn. Ủ trong khoảng 5 ngày. Sau đó có thể lấy rượu xoa bóp vào khu vực bị đau.
Các bài thuốc khác
Chữa co giật
Chuẩn bị 15 – 60gr lá tươi, muối. Nghiền dược liệu rồi hòa chung với nước ấm bỏ thêm chút muối. Khuấy đều và chắt lấy nước uống trước bữa tối.
Trị cảm
Chuẩn bị 25 chiếc lá mơ lông. Ăn sống hoặc hấp chín để giải cảm.
Trị ho gà
Chuẩn bị 150gr lá mơ lông, 250gr bách bộ, 250gr mần trầu, 250gr rễ chanh, 250gr cỏ nhọ nồi, 250gr rau má, 159gr cam thảo dây, 100gr trần bì, 50gr gừng, đường kính.
Bỏ tất cả dược liệu trên vào nấu chung với 6 lít nước. Tắt bếp khi nước trong nồi còn khoảng 1 lít. Ngày uống 2 – 3 lần.
Sử dụng lá mơ lông trong ẩm thực
Không chỉ có nhiều ích lợi đối với sức khỏe con người, cây mơ lông còn được sử dụng để gia tăng hương vị cũng như là một phần không thể thiếu cho nhiều món ăn như: lá ăn với thịt heo tộc nướng, chế biến với trứng gà, cuốn cá rô đồng, bánh lá mít rau mơ.
Lưu ý khi sử dụng lá mơ lông
Tuy có thể sử dụng lá mơ để điều trị các bệnh về phong thấp, viêm đại tràng, đau bụng… nhưng trước khi sử dụng, vẫn cần phải lưu ý một vài điểm sau:
- Các bài thuốc không điều trị triệt để bệnh. Chúng chỉ có tác dụng hỗ trợ tương tự như các loại thực phẩm chức năng. Cần phải hỏi ý kiến của chuyên gia, hay bác sĩ trước khi sử dụng các bài thuốc trên.
- Phải làm sạch lá trước khi sử dụng. Trước khi dùng chúng để đắp thuốc, sắc thuốc hay ăn sống thì nên ngâm trong nước muối khoảng 20 phút để khử trùng.
- Không nên lạm dụng lá mơ trong điều trị bệnh. Cần sử dụng đúng liều lượng và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nếu có dấu hiệu dị ứng với các thành phần của lá, cần đến ngay trạm xá hoặc các trung tâm y tế để chữa trị kịp thời.
- Cần kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ để những bài thuốc trên phát huy được hiệu quả tốt nhất.
Cách trồng và chăm sóc cây lá mơ lông
Nhân giống cây mơ lông
Phương pháp phổ biến dùng để nhân giống cây mơ lông là giâm cành. Cành được chọn nên đến từ cây mẹ có khả năng kháng sâu bệnh và phải ít nhất 2 năm tuổi.
Lựa những cành bánh tẻ dài khoảng 30 – 50cm để nhân giống. Giâm vào đất được chuẩn bị sẵn và lấp đất lại, tưới thêm nước để làm đất ẩm.
Các yếu tố cần thiết khi chăm sóc cây lá mơ lông
Ánh sáng và nhiệt độ
Nên trồng cây ở những vị trí râm mát. Nếu trồng ở những khu vực quá nắng, cây sẽ dễ bị héo và chết.
Đất trồng
Cây mơ lông bản thân nó đã là cây dại nên sức sống khá tốt và cũng không kén đất trồng. Miễn đất được dùng để trồng cây giàu dinh dưỡng và có độ thoát nước tốt thì cây sẽ phát triển thật mạnh mẽ và dược liệu cũng sẽ có đặc tính tốt hơn.
Yêu cầu về nước
Khi cây còn non, tưới nước một lần một ngày. Sau một tháng thì 1 tuần tưới 1 – 2 lần.
Phân bón
Có thể bổ sung dinh dưỡng cho đất nếu đất nghèo dinh dưỡng. Sau khi đem cây về trồng khoảng 20 ngày thì bón 1 lần, sau 1 – 2 tháng nữa thì bón tiếp.
Thu hoạch và bảo quản
- Khoảng 1,5 tháng sau khi trồng thì có thể thu hoạch lá mơ để dùng dần.
- Toàn bộ cây đều có thể được sử dụng để làm thảo dược kể cả rễ.
- Có thể thu hoạch và sử dụng lá mơ lông bất kỳ thời điểm nào trong năm. Riêng phần thân thì nên thu hoạch vào mùa hè, rễ thì vào thu hoặc đông.
- Thảo dược đã được thu hoạch cần được đem đi rửa sạch và khử trùng để loại bỏ bùn đất và các vi khuẩn gây hại. Sau đó có thể dùng tươi hoặc đem đi phơi khô để bảo quản lâu dài.
- Dược liệu nên được bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Tổng kết
Cây mơ lông là một trong những loại dược liệu tuy không quá quý hiếm nhưng lại rất đa dụng. Ngoài việc được sử dụng như một loại gia vị trong ẩm thực, chúng còn có thể giúp điều trị các loại bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, cũng như một số bệnh ngoài da khác. Việc trồng và chăm sóc lá mơ cũng không cầu kì và tốn nhiều thời gian. Vậy nên hãy sở hữu ngay cho khu vườn nhà mình một cây mơ lông nhé.
©Copyright by Moc Nhien Farm