Giao hàng toàn quốc, được kiểm tra trước khi thanh toán. Đảm bảo cây sống và không gãy. Hướng dẫn chăm và tên cây được gửi cùng đơn hàng. Liên hệ: 0922 90 90 22

Cỏ ngọt (Stevia)

Ưa nắng vừa
25,000₫ / cây 15 cm (hình 2)
- +

Có sẵn: 16

Mô tả

Cỏ ngọt là dược liệu quý, được dùng làm chất tạo ngọt tự nhiên thay thế cho đường. Chất này không ảnh hưởng lượng đường trong máu. Chúng được dùng làm bánh kẹo, pha trà, nước hoa quả... Ngày nay, loại thảo mộc này được coi như một người bạn lành tính và thân thiện của gia đình.

  • Tên khoa học: Stevia Rebaudiana
  • Tên tiếng Anh: Sweet Leaf, Candyleaf, Sugarleaf
  • Tên gọi khác: cúc ngọt, cỏ mật, cỏ đường

 

Cây cỏ ngọt và những thông tin cần biết

Đặc điểm của cây cỏ ngọt

Tuy gọi là cỏ nhưng đây là loài cây thân thảo, sống lâu năm, thân hóa gỗ. Chiều cao của chúng có thể đạt tới khoảng 0,6m. Thân càng dài càng có xu hướng ngả rạp. Chúng phân nhánh từ gốc, thân mềm. Toàn bộ lá, thân và cành đều có lớp lông mịn màu trắng.

Lá cây có hình bầu dục, mép lá có răng cưa. Mặt lá nổi rõ 3 gân chính và nhiều gân nhỏ ở bên trên. Lá hơi thuôn dài, có thể dài khoảng 6cm và rộng khoảng 3cm.

Lá cỏ ngọt

Cây có vị ngọt ở toàn thân, kể cả khi khô chúng cũng vẫn giữ được vị này. Lá có chứa một số hóa chất có vị ngọt được gọi là glycoside steviol. Steviol glycoside, đặc biệt là các hóa chất stevioside và rebaudioside A, có thể ngọt hơn đường ăn 200 lần và không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Cây có hoa nhỏ thường mọc thành chùm, mỗi cụm có khoảng 5 bông hoa màu trắng ngà, mỗi bông có 5 cánh. Hoa tỏa hương thơm nhẹ.

Hoa nhỏ màu trắng

Nguồn gốc và phân bố

Cỏ ngọt có nguồn gốc từ Paraguay. Ở đây, nó có lịch sử sử dụng hơn 1500 năm bởi người Guarani. Hiện nay chúng phổ biến ở nhiều nơi. Stevia đã được trồng thử nghiệm ở Ontario, Canada từ năm 1987 để xác định tính khả thi của việc trồng đại trà. Các nhà nghiên cứu của Đại học Duke đã phát triển một kế hoạch chiến lược để hỗ trợ nông dân và các nhà xuất khẩu ở Paraguay cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đối với loài thực vật này.

Hiện nay, cây cỏ ngọt được trồng ở khắp các nơi trên thế giới và cả các vùng miền trong Việt Nam.

Trước năm 1900, cây bắt đầu được du nhập vào Việt Nam. Chúng được trồng chủ yếu ở các vùng cao. Về sau, phát hiện được dược tính tốt lành của chúng nên cây được phân bố rộng rãi ở nhiều vùng miền. Đặc biệt, chúng có mặt ở vườn dược liệu cũng như tại các khu vườn gia đình vì rất dễ sử dụng.

Các câu chuyện về việc nghiên cứu cỏ ngọt

Cây stevia được đặt tên theo tên của một giáo sư thực vật học người Tây Ban Nha Jacobus Stevus (1500 – 1556). Nhưng mãi tới năm 1955, các nhà hóa học Pháp mới chiết được vị ngọt và nghiên cứu cấu trúc hóa học của nó, đồng thời công bố kết quả nghiên cứu.

Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để chứng minh giá trị của cây cỏ ngọt.

Tận dụng đặc tính này, vào đầu những năm 1970, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển chất làm ngọt thương mại đầu tiên có nguồn gốc từ chúng. Chất này nhanh chóng trở nên phổ biến tại Nhật. Các chất chiết xuất glycoside cụ thể đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào năm 2008. Liên minh Châu Âu đã phê duyệt chất làm ngọt stevia vào năm 2011.

Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để chứng minh giá trị của cây cỏ ngọt.

Cho tới nay, nhiều nước trên thế giới đã khai thác đặc điểm này để sử dụng làm nguyên liệu tạo vị ngọt tự nhiên cho các loại thực phẩm. Năm 2005, tại Nhật Bản, cỏ ngọt chiếm 40% thị trường chất làm ngọt và được công nhận là có lượng tiêu dùng loài thực vật này lớn nhất trên thế giới. Trong tương lai, chúng có khả năng trở thành nguồn cung cấp chất làm ngọt ít calo và có hiệu quả cao cho thị trường thực phẩm tự nhiên đang phát triển.

Stevia được coi là chất làm ngọt tự nhiên, thay thế cho đường.

Công dụng của cây cỏ ngọt đối với y học

Sở hữu chất làm ngọt tự nhiên không gây tăng đường, loài cây này mang giá trị vô cùng to lớn đối với những ai cần giảm lượng đường và cholesterol trong máu. Trên thị trường, có rất nhiều loại thực phẩm đã sử dụng stevia làm nguyên liệu. Tuy nhiên, nếu sử dụng với mục đích không gây tăng đường, cần xem xét kỹ thành phần có bao gồm các chất tạo ngọt khác nữa hay không.

Ngoài ra, trong cỏ ngọt còn có nhiều thành phần tự nhiên lành tính và đã được xác nhận an toàn để sử dụng : protein, carbohydrate, stevioside, steviol, chất béo. Chúng được sử dụng làm gia vị cho những người ăn kiêng. Các sản phẩm bánh kẹo cũng tận dụng loại đường này để tạo vị ngọt lành tính.

Stevia (cỏ ngọt) được coi là gia vị cho người ăn kiêng.

Những tác dụng chính bao gồm:

  • Hỗ trợ giảm huyết áp
  • Giúp điều trị bệnh tiểu đường
  • Cải thiện hệ tiêu hóa
  • Có hiệu quả với các bệnh về đường tiểu, lợi tiểu
  • Phòng ngừa các bệnh về tim mạch
  • Hỗ trợ điều trị hoặc phòng ngừa triệu chứng chảy máu chân răng

Cây cỏ ngọt – công dụng cụ thể và một số bài thuốc 

Bài thuốc cỏ ngọt cho người mắc bệnh tiểu đường

  • Cách 1:  sử dụng 10 – 15gr hoa cúc khô và 5 – 10gr cỏ. Hoa cúc cần được rửa sạch và ngâm vào nước ấm trước (khoảng 3 phút). Sau đó, cho cả 2 nguyên liệu vào ấm trà để hãm. Lượng nguyên liệu này phù hợp với khoảng 1 – 1,5 lít nước. Sử dụng trong ngày như uống trà.

Cỏ ngọt hỗ trợ điều trị tiểu đường.

  • Cách 2: sắc 2,5gr lá với 100ml nước. Tới khi còn 50ml thì lấy ra uống. Ngày có thể uống 2 lần, mỗi lần 50ml như thế.

Loại thực vật này không gây tăng đường, vì vậy không cần lo lắng nếu sử dụng uống hàng ngày. Chúng hỗ trợ lượng đường ổn định. Ngoài ra, chúng có thể giúp người bệnh tiểu đường cải thiện sức khỏe trong quá trình chữa bệnh.

Trà cỏ ngọt.

Cỏ ngọt stevia  hiệu quả và lưu ý đối với trẻ em và phụ nữ mang thai

  • Phụ nữ mang thai sợ nhất là chứng tiểu đường thai kỳ. Nếu không áp dụng chế độ ăn có kiểm soát, sẽ rất dễ gặp các biến chứng về đường và điều này gây ảnh hưởng tới quá trình mang thai cũng như khi sinh con.
  • Cỏ stevia nguyên lá và chiết xuất thô, bao gồm cả stevia trồng ở nhà, không an toàn để sử dụng nếu bạn đang mang thai. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.

Lưu ý

  • Cỏ ngọt (stevia) làm bằng Reb-A (hình thức tinh chế thực vật) an toàn để sử dụng vừa phải trong thời kỳ mang thai. Nếu bạn nhạy cảm với rượu đường, hãy chọn nhãn hiệu không chứa erythritol.
  • Trẻ em cũng là một trong những đối tượng bị thu hút đặc biệt bởi các sản phẩm có đường. Điều này là nguy cơ dẫn đến bệnh béo phì sớm ở trẻ. Việc cân bằng lượng đường ngay từ khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cả đời của trẻ. Vì thế, có thể sử dụng các sản phẩm từ cỏ ngọt để hạn chế tối đa việc tăng đường ở trẻ.

Stevia làm bằng Reb-A (hình thức tinh chế thực vật) an toàn để sử dụng vừa phải trong thời kỳ mang thai.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị tăng huyết áp

Cách thực hiện: 6gr cỏ, 12gr quyết minh tử, 4gr hoa cúc, 10gr hoa hòe. Có thể chọn cách sao vàng hoặc phơi khô. Sau đó sắc với 600ml nước. Khi còn 200ml thì lấy ra uống, sử dụng hàng ngày.

Cỏ ngọt hỗ trợ giảm béo và kiểm soát cân nặng

Đây là một chất làm ngọt không dinh dưỡng. Điều này có nghĩa là nó hầu như không có calo. Tuy vậy, tác dụng giảm béo của cỏ ngọt khá chậm, phải dùng một thời gian dài nên đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần sắc lá đã phơi khô với nước và uống hàng ngày.

Vì thay thế được cho đường nên chúng cũng góp phần kiểm soát cân nặng và giảm béo phì.

Mặc dù cỏ stevia được coi là an toàn cho những người mắc bệnh tiểu đường, nhưng các nhãn hiệu có chứa dextrose hoặc maltodextrin nên được sử dụng một cách thận trọng. Dextrose là glucose, và maltodextrin là một loại tinh bột. Những thành phần này bổ sung một lượng nhỏ carbs và calo. Rượu đường cũng có thể làm tăng số lượng carb một chút.

Nếu sử dụng thỉnh thoảng, có thể không đủ để ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Nhưng nếu sử dụng nó suốt cả ngày, lượng carbs sẽ tăng lên.

Thu hoạch stevia để sử dụng.

Hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý liên quan tới tim mạch

Cỏ ngọt giúp ổn định lượng đường trong máu nên giúp cơ thể phòng tránh được nhiều bệnh liên quan tới tim mạch. Với việc sử dụng lá như uống trà hàng ngày sẽ giúp cho tim mạch đủ khỏe.

Theo một nghiên cứu năm 2009, bột lá của loài cây này có thể giúp kiểm soát cholesterol. Những người tham gia nghiên cứu đã tiêu thụ 20 ml chiết xuất stevia hàng ngày trong một tháng. Nghiên cứu cho thấy cây cỏ ngọt làm giảm tổng lượng cholesterol, LDL (xấu) và chất béo trung tính mà không có tác dụng phụ tiêu cực. Nó cũng làm tăng cholesterol HDL (tốt).

Sử dụng cỏ ngọt giúp hỗ trợ phòng ngừa các bệnh về tim mạch.

Giải nhiệt và lợi tiểu

Để giải nhiệt và lợi tiểu, có thể nấu hỗn hợp nước từ các nguyên liệu như atiso, nhân trần, cây mướp gai, nấm lim xanh. Hỗn hợp này có tác dụng thải độc và thanh nhiệt. Lưu ý không nên sử dụng cho người đang mang thai, người cao huyết áp. Người có bệnh về tim mạch chỉ nên sử dụng khi kết hợp với sự hướng dẫn của người có chuyên môn.

Có thể sử dụng trà cỏ ngọt hoặc kết hợp với các loại thảo dược khác để giải nhiệt.

Cỏ ngọt ngăn ngừa và điều trị ung thư

Có một số bằng chứng cho thấy chúng có thể giúp chống lại hoặc ngăn ngừa một số loại ung thư. Một nghiên cứu năm 2013 phát hiện ra rằng nhiều dẫn xuất stevia glycoside gây độc cho các dòng tế bào ung thư bạch cầu, phổi, dạ dày và ung thư vú.

Tốt cho sức khỏe răng miệng

Có 2 cách sử dụng cho sức khỏe răng miệng:

  • Uống như trà
  • Sắc đặc và ngậm lâu trong miệng

Uống trà stevia có lợi cho sức khỏe răng miệng.

Cỏ ngọt và những công dụng tuyệt vời khác

Công dụng của cỏ ngọt trong ẩm thực

Ngoài tác dụng chữa bệnh thì một tác dụng vô cùng lớn của cây cỏ ngọt là được sử dụng để tạo vị ngọt tự nhiên trong ẩm thực. Chúng được coi là nguyên liệu để làm các món bánh kẹo và mứt. Ngoài ra, đây còn là gia vị ướp một số thực phẩm khô, rượu màu, tạo ngọt cho món tráng miệng… Một nhúm bột cỏ ngọt tương đương với khoảng một thìa cà phê đường ăn.

Những cách ngon miệng để sử dụng cây cỏ ngọt bao gồm:

  • trong cà phê hoặc trà
  • trong nước chanh tự làm
  • rắc lên ngũ cốc nóng hoặc lạnh
  • trong một ly sinh tố
  • rắc lên sữa chua không đường

Bạn có thể nướng bánh với cỏ ngọt, mặc dù nó có thể mang lại cho bánh ngọt và bánh quy dư vị cam thảo. Để cân bằng lượng đường, nên thay thế một nửa tổng lượng đường trong công thức của bạn bằng sản phẩm của cỏ ngọt.

Rất nhiều món ăn với thành phần hoặc gia vị là lá cỏ ngọt.

Lợi ích của trà cỏ ngọt

Trà cỏ ngọt cũng như kim ngân hoa, có thể sử dụng hàng ngày như một loại nước mát giải khát. Để có một ly trà ngon lành, chúng ta có thể nấu lá tươi hoặc hãm lá khô. Nếu muốn thêm hương vị, nhỏ một vài giọt chanh vào tách trà.

Với nhiều công dụng đã được nghiên cứu, trà cỏ ngọt hoàn toàn lành tính cho người sử dụng. Tuy nhiên, để bảo đảm tính an toàn, cần bảo đảm cây được trồng hữu cơ và không bị phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Trong quá trình bảo quản, cần lưu ý để thảo dược không bị nấm mốc.

Trà cỏ ngọt có thể được chế biến bằng việc nấu lá tươi, hãm lá khô hoặc sử dụng bột bán sẵn.

Hiện nay, trên thị trường đã có sản phẩm trà cỏ ngọt dạng bột hoặc cỏ ngọt khô rất tiện dùng. Ngoài ra, vì việc chế biến rất đơn giản, bạn hoàn toàn có thể tự trồng và thu hái để sử dụng (lưu ý không dùng cho phụ nữ đang mang thai).

Thành phần quan trọng trong nhiều loại mỹ phẩm

Cỏ ngọt có tác dụng tái tạo da, chống viêm và giảm bã nhờn. Vì thế chúng là một thành phần thường có trong kem dưỡng da và gel dưỡng tóc.

Đây còn là thành phần rất tốt cho da và tóc.

Tác dụng phụ của cây cỏ mật (cỏ ngọt)

  • Nếu sử dụng các sản phẩm làm từ cỏ mật và có cảm giác đầy bụng, khó chịu ở dạ dày hoặc buồn nôn và tiêu chảy thì cần dừng sử dụng. Một số người có cơ thể nhạy cảm sẽ phản ứng lại với chiết xuất từ cỏ mật theo những phản ứng trên.
  • Ngoài ra, việc sử dụng lâu dài có thể làm giảm lợi khuẩn trong đường ruột. Điều này có thể được hỗ trợ bằng cách bổ sung lợi khuẩn. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, nên tham khảo bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng.
  • Có lo ngại rằng cỏ mật thô (chưa qua tinh chế) có thể gây hại cho thận, hệ thống sinh sản và hệ tim mạch. Nó cũng có thể làm giảm huyết áp xuống quá thấp hoặc tương tác với các loại thuốc làm giảm lượng đường trong máu.

Stevia cũng có một số tác dụng phụ nhất định, vì vậy cần lưu ý khi sử dụng.

  • Một nghiên cứu năm 2019 cũng cho thấy chất ngọt không dinh dưỡng có thể gây ra chứng không dung nạp glucose và rối loạn chuyển hóa.
  • Như với hầu hết các chất làm ngọt không dinh dưỡng, một nhược điểm lớn là mùi vị. Cỏ này có vị nhẹ, giống như cam thảo và hơi đắng. Một số người thích, nhưng những người khác lại không.

Những lưu ý khi sử dụng dược liệu cỏ ngọt

Người có bệnh nặng hoặc đang mang thai chỉ nên sử dụng cỏ ngọt khi có sự hướng dẫn của thầy thuốc.

  • Cỏ ngọt được sử dụng như một loại thảo dược Đông y, vì thế nếu đang sử dụng thuốc tây mà cần dùng cỏ ngọt thì cần hỏi ý kiến của người có chuyên môn.
  • Không nên sử dụng quá liều lượng mà bác sĩ chỉ định.
  • Tuy cỏ ngọt giúp phụ nữ mang thai và trẻ con kiểm soát lượng đường nhưng vẫn cần có sự theo dõi của bác sĩ. Phụ nữ mang thai chỉ nên sử dụng sản phẩm cỏ ngọt đã qua tinh chế.

Cách trồng và chăm sóc cây cỏ ngọt

Các điều kiện cần thiết khi chăm sóc cỏ ngọt

  • Cây cỏ ngọt rất dễ trồng. Chúng được nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành. Cả hai cách đều cho năng suất cao. Việc giâm cành rất đơn giản, thậm chí chỉ cần ngắt một đoạn cành ngắn cắm xuống đất cũng có thể thành cây con.

Cây cỏ ngọt có thể trồng bằng hạt hoặc giâm cành rất dễ và cho năng suất cao.

  • Đặc biệt lưu ý cây cỏ ngọt là thân thảo nên rất dễ bị úng nước. Vì vậy, cần chuẩn bị giá thể thật tơi và thoát nước tốt. Nếu không thoát nước tốt, lá sẽ vàng rụng, mềm thân và nhanh chóng chết.
  • Cây ưa ẩm và chịu được ánh nắng vừa phải. Nắng gắt quá sẽ làm cây héo rũ.

Cây ưa ẩm nhưng không chịu úng.

  • Nên thường xuyên cắt tỉa như một hình thức thu hái để cây ra nhánh mới. Nếu nhánh quá dài, lá của cây sẽ nhỏ dần và thân ngã rạp. Việc cắt tỉa giúp cây thường xuyên phục hồi và tràn đầy sức sống. Ngoài ra, nên cắt hoa để tập trung dinh dưỡng vào lá.

Cắt tỉa cây để thu hoạch và để cây phát triển tốt hơn vào mùa sau.

Thu hoạch và bảo quản

  • Bộ phận thu hái: búp non, lá.
  • Khi thu hái cây cỏ ngọt, cắt thành từng đoạn khoảng 20cm. Không lấy các lá già, héo, vàng, bị bệnh.
  • Có hai cách để sấy khô: hoặc sấy ở lò với nhiệt độ khoảng 30 – 40 độ C, hoặc phơi nắng và để khô tự nhiên. Sau khi dược liệu đã khô, phun ẩm và ủ kín khoảng 2 – 3 ngày rồi phơi thêm lần nữa. Dược liệu khô cần được bảo quản ở nơi thoáng mát và không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Thu hoạch, phơi khô và bảo quản.

Thu hoạch, phơi khô và bảo quản.

Tổng kết

Cây cỏ ngọt mang lại nhiều lợi ích ẩm thực và kinh tế vì tác dụng lớn nhất là thay thế đường ăn. Vì cỏ stevia ngọt hơn nhiều so với đường ăn, vì vậy bạn sẽ không cần sử dụng nhiều. Hãy trồng một vài cây trong khu vườn để tận dụng nguồn dược liệu quý giá này nhé.

©Copyright by Moc Nhien Farm

Sản phẩm đề xuất

Hết hàng

0₫

Hết hàng

Húng chanh

25,000₫

Rau câu kỷ

20,000₫

Hết hàng

0₫

Hết hàng
Hết hàng
 Cỏ ngọt (Stevia)
 Cỏ ngọt (Stevia)
 Cỏ ngọt (Stevia)
 Cỏ ngọt (Stevia)
 Cỏ ngọt (Stevia)
 Cỏ ngọt (Stevia)
 Cỏ ngọt (Stevia)
 Cỏ ngọt (Stevia)
 Cỏ ngọt (Stevia)
 Cỏ ngọt (Stevia)