Cây ngải cứu
Ưa nắng vừaMô tả
Lá ngải cứu từ rất lâu đã quen thuộc với người dân Việt Nam. Bắt nguồn từ việc sử dụng cây cỏ để trị bệnh, người ta đã tìm kiếm nhiều loại thuốc từ thực vật. Trong đó, giống cây này là một trong những thảo dược hữu ích. Ở bài viết này, Mộc Nhiên Farm gửi đến các bạn những thông tin cần thiết về một vị thuốc phổ biến nhé.
- Tên khoa học: Artemisia Vulgaris
- Tên tiếng Anh: Riverside wormwood, Common mugwort, Felon herb, Chrysanthemum weed, Wild wormwood, Sailor's tobacco, old Uncle Henry
- Tên gọi khác: Thuốc cứu, ngải diệp
Thông tin chung về lá ngải cứu
Cây ngải cứu
- Ngải cứu là cây thân thảo, cao tới khoảng 2m thì ngưng. Cây có những đường rãnh dọc trên thân. Chúng phân ra nhiều nhánh tỏa rộng. Trên các cành non có nhiều lông mềm.
- Lá của cây thoạt nhìn hơi giống lá cúc, chúng chẻ theo dạng lông chim và chia thành nhiều bẹ. Mặt trên lá có màu xanh đậm, mặt dưới nhiều lông màu trắng. Lá chia làm nhiều thùy hẹp, nhọn ở đầu.
- Lá có tinh dầu nên tạo mùi thơm ngai ngái. Có nhiều tên gọi riêng cho các loại lá ngải cứu tùy theo cách bảo quản, ví dụ như lá khô gọi là ngải điệp, lá phơi khô rồi cắt thành bột rây lấy phần lông trắng gọi là ngải nhung vì phần lông này êm mềm như nhung.
- Hoa có màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở đầu cành.
- Cây cho quả nhỏ, hơi bè, có hạt. Hạt không nảy mầm thành cây con được. Vì vậy, người ta nhân giống cây ngải cứu bằng cách giâm cành.
Nguồn gốc của ngải cứu
Cây ngải cứu ưa ẩm, chúng được tìm thấy ở những khu vực ôn đới trải rộng ở các châu lục: châu Á, châu Âu, Bắc Phi, Alaska và Bắc Mỹ. Thời xưa, chúng được sử dụng trong các loại rượu mùi. Trước khi các tác dụng y học được công nhận thì chúng từng bị cấm ở Hoa Kỳ vì gây ảo giác và ngộ độc khi sử dụng tự do trong rượu.
Ngải cứu là thảo dược nổi tiếng ở Việt Nam vì những ứng dụng tuyệt vời của nó. Trước đây chúng mọc hoang ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Người dân dùng chúng như một loại dược liệu. Khi hiệu quả lan rộng, chúng phổ biến ở nhiều nơi, nhất là trong vườn rau gia đình.
Chúng được trồng quy mô công nghiệp ở Ý, Pháp, Brazil và Nhật Bản, cũng như ở các vùng miền núi của Ấn Độ và Sri Lanka.
Lá ngải cứu có tác dụng gì trong y học?
Thông tin chung
Ngải cứu là một loài cây có tầm quan trọng lớn trong lịch sử y học và được gọi là “mẹ của các loại thảo mộc” trong thời Trung cổ. Loài này được biết đến gần như khắp nơi trên thế giới. Chúng chứa nhiều tinh dầu, flavonoid, và sesquiterpenoids lacton và các hoạt động sinh học liên quan.
Cây ngải cứu đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, Ấn Độ giáo và châu Âu để điều chỉnh hoạt động của hệ tiêu hóa và điều trị các bệnh phụ khoa khác nhau. Cho đến nay, nhiều tác giả đã xác nhận các đặc tính có lợi của chiết xuất thảo mộc này, bao gồm tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ gan, chống phân giải, chống ung thư, kháng khuẩn và kháng nấm. Ngoài ra, một số công trình đã xem xét việc sử dụng chúng trong sản xuất mỹ phẩm và xem xét vai trò của nó như một loại gia vị có giá trị trong ngành công nghiệp thực phẩm.
Đối với y học cổ truyền
- Bộ phận dùng: chủ yếu là lá, ngoài ra có dùng tới thân và vỏ thân
- Tính vị: vị đắng, cay, tính ấm
- Ứng dụng chủ yếu trong y học và ẩm thực
Người Việt Nam sử dụng ngải cứu vốn dĩ theo nền y học Trung Quốc. Ngày xưa, Trung Quốc sử dụng dược liệu này trong y học cổ truyền, với tác dụng chủ yếu là giảm đau dạ dày. Sau này, nhiều tác dụng khác được ghi nhận và cũng có nhiều bài thuốc cũng như món ăn được phổ biến rộng rãi. Khi du nhập vào Việt Nam, người dân đã không còn lạ lẫm nữa.
Có nhiều cách sử dụng: dùng tươi hoặc sao khô, châm cứu hoặc dùng ngoài da, sắc thuốc hoặc nấu thành món ăn.
Tác dụng trị bệnh về da của lá ngải cứu
Tác dụng
Các hoạt chất có trong lá ngải cứu giúp cho tuần hoàn máu lưu thông tốt hơn, thúc đẩy sự trao đổi chất, nhờ đó da được cải thiện và nuôi dưỡng. Nếu sử dụng tinh dầu ngải cứu cho da, sẽ mau lành vết thương và chóng lên da non. Ngoài ra, hoạt chất tannin trong lá giúp hạn chế sự xuất hiện của mụn nước, có hiệu quả đối với việc điều trị các bệnh viêm da và cả bệnh chàm.
Đối với da nhờn, tinh dầu của loài thực vật này hỗ trợ giảm bài tiết chất nhờn và làm sạch da. Đối với da khô chúng lại có tác dụng dưỡng ẩm. Vì sự linh hoạt này, chúng được ứng dụng trong cả sản phẩm dưỡng da.
Các bài thuốc trị bệnh ngoài da
- Trị chàm hoặc mụn nước: Đối với người bị chàm hoặc mụn nước, da nhạy cảm và dễ bị dị ứng, có thể áp dụng bài thuốc sau. Sử dụng một lượng khoảng 50gr lá khô đun sôi với 1l nước. Sau khi sôi, để lửa nhỏ thêm để các chất tiết ra hết. Lọc lấy nước và trữ trong lọ thủy tinh sạch, đậy kín. Bảo quản trong tủ lạnh. Sử dụng cho da với tần suất 1 lần/ngày vào buổi tối sau khi đã rửa mặt sạch. Dùng bông tẩy trang tách lớp, thấm nước pha loãng, đắp lên những khu vực da bị sần. Để như vậy khoảng 5 phút thì khô. Bước này có thể thay thế bước đắp mặt nạ trong quy trình dưỡng da, rồi tới các bước dưỡng ẩm như bình thường.
- Trị mụn cóc, mụn cơm, mụn trứng cá: đắp rau ngải cứu đã giã nát lên vết mụn mỗi ngày, làm khoảng 10 ngày hoặc tới khi thấy hết.
- Trị mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sảy: giã nát lá ngải cứu, chắt phần nước hòa với nước tắm.
- Trị bong gân: giã nát lá, trộn với rượu hoặc giấm, đắp vào chỗ bị bong gân và bó lại. Làm 1 lần/ngày, nếu bị sưng có thể làm 2 lần.
- Trị nhức mỏi: việc ngâm chân với nước ngải cứu sẽ làm cơ thể hồi phục khỏi những mệt mỏi và đau nhức. Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần nấu lá sôi và cho muối vào. Đợi muối tan và độ nóng vừa đủ thì ngâm chân khoảng 15 phút.
Những bài thuốc dành cho phụ nữ
- Trị kinh nguyệt ra nhiều, xuất huyết tử cung: 12gr lá ngải cứu, 10gr đương quy, 3gr xuyên khung 10gr sinh địa, 5gr bạch thược. Lượng nước cần dùng: 800ml. Sắc còn 300ml thì lọc lấy phần nước. Sau đó khuấy với 12gr a giao. Sử dụng trong ngày với liều lượng 3 lần/ngày.
- Trị đau bụng kinh, rong kinh: 20 – 40gr hương phụ, ngải cứu. Sắc thành nước uống 2 lần/ngày. Nếu có dạng bột hay cao đặc cũng có thể dùng để thay thế.
- Thuốc an thai, trị động thai: 24gr ngải cứu, 12 quả đại táo, 24gr sinh khương. Sắc uống trong ngày.
- Đau bụng, ra máu khi mang thai: 16gr lá ngải cứu, 16gr lá tía tô. Sắc uống trong ngày.
Chữa các bệnh về suy nhược
- Ngải cứu giúp lưu thông máu lên não: lá ngải cứu xắt nhỏ và 1 quả trứng gà đánh tan, nêm nếm vừa miệng, chiên chín. Món ăn này hỗ trợ tuần hoàn máu rất tốt.
- Trị chóng mặt, buồn nôn: 80gr đương quy, 80gr ngải cứu, 240gr hương phụ. Bài thuốc này cần dùng tới giấm. Lấy các nguyên liệu trên chưng với giấm trong 12 giờ. Sau đó đem phơi khô và tán thành bột. Nấu nếp và giấm làm thành hồ trộn với bột làm thành viên. Liều dùng: 16gr/ngày.
- Ngải cứu trị suy nhược cơ thể, kém ăn: 250gr ngải cứu, 10gr đinh quy, 20gr câu kỷ tử, 2 quả lê, 1 con gà ri (gà ác) 150gr, 0,5 lít nước. Hầm các nguyên liệu cho tới khi còn 250ml, nêm nếm gia vị vừa miệng. Ăn liên tục 1 – 2 tuần. Mỗi ngày ăn 5 lần (chia đều lượng trên).
- Trị cảm, ho, đau họng, nhức đầu
Cách 1: 300gr lá ngải cứu, 100gr lá bưởi (có thể dùng các lá cùng họ cam quýt), 100gr lá khuynh diệp, 2 lít nước. Nấu 20 phút tới khi sôi thì nhấc xuống, đổ ra tô, trùm kín xông trong 15 phút.
Cách 2: lá ngải cứu, 50gr lá sả, 100gr lá tía tô, 100gr tần dầy lá (húng chanh), 1 lít nước. Nấu sôi tới khi còn 0,5 lít. Uống liên tục trong 3 – 5 ngày.
Trị thoát vị đĩa đệm, đau nhức
Vì ngải cứu có các chất kháng viêm, gây tê nhẹ và giảm đau nên đã có những bài thuốc được dành riêng cho việc chữa thoát vị đĩa đệm.
Bài thuốc từ ngải cứu, vỏ chanh, vỏ bưởi và rượu trắng
Chuẩn bị: 200gr ngải cứu khô, 2 phần vỏ khô của 2 quả bưởi, 1kg vỏ chanh khô, 2 lít rượu trắng.
Thực hiện: trộn đều các nguyên liệu trên, sao vàng trên chảo. Cho hỗn hợp vào bình thủy tinh ngâm với rượu trắng. Được 30 ngày có thể sử dụng. Liều dùng: 20ml/ngày.
Ngải cứu và mật ong
Chuẩn bị: 1 bó ngải cứu, 2 thìa mật ong, ½ thìa muối hột
Thực hiện:
- Đun sôi muối với một ít nước, để nguội.
- Rửa sạch ngải cứu rồi xay nhuyễn.
- Đổ nước muối và ngải cứu chung với nhau, trộn đều, vắt lấy nước. Sau đó cho mật ong vào nước này. Uống hàng ngày, 2 lần/ngày.
Chườm lá ngải cứu
Cách thực hiện và một số lưu ý
Chườm ngải cứu là một cách chữa bệnh dân gian, khi người dân thấy được tác dụng giảm đau của nó nhất là khi kết hợp với sức nóng, họ đã nghĩ đến việc sao nóng các bộ phận của cây với muối rồi bỏ vào túi vải và đắp lên vị trí bị đau. Ngoài lá ngải cứu, có thể kết hợp cùng một vài vị thuốc khác. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với các cơn đau do cảm mạo phong hàn, đau cơ, đau xương khớp do lạnh.
Tuy nhiên, một số vị trí không nên áp dụng chườm nóng như: vùng da có vết thương, có mụn, bị dị ứng; bệnh nhân đang bị sốt cao hoặc nhiễm trùng; các trường hợp đau nặng phải cấp cứu; vùng da bị mất cảm giác. Ngoài ra, người say rượu và bệnh nhân tâm thần không được dùng cách này.
Nếu ở vị trí khó chườm (như sau lưng), nên có chuyên viên thực hiện phương pháp này hỗ trợ. Nếu chưa quen độ nóng, cần chuẩn bị sẵn thuốc trị bỏng.
Phương pháp chườm ngải cứu tuy hiệu quả nhưng chỉ hỗ trợ giảm cơn đau, không có tác dụng điều trị hoàn toàn nếu là bệnh nặng. Nếu có dùng các phương pháp điều trị khác thì nên duy trì và kết hợp chườm dưới sự cho phép của bác sĩ, không tự ý thay thế các phương pháp khác.
Những cách này không được tự ý áp dụng cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Chườm ngải cứu và rượu
Chuẩn bị: 1 bó ngải cứu tươi và một ít rượu trắng
Thực hiện: giã nát lá. Trộn với rượu. Xào nóng. Bọc hỗn hợp thuốc này vào khăn và chườm lên lưng. Mỗi lần chườm khoảng 15 phút. Khi thấy nguội thì hâm nóng rồi chườm tiếp.
Chườm ngải cứu và giấm gạo
Chuẩn bị: 3gr ngải cứu và 200ml giấm gạo.
Thực hiện: giã nát lá, trộn với giấm gạo. Đun nóng. Cẩn thận kẻo cháy. Cho hỗn hợp thuốc vào khăn mỏng rồi chườm lên vị trí đau. Sẽ tốt hơn nếu kết hợp với xoa bóp. Làm như vậy mỗi ngày 15 phút trong vòng 2 tuần, cơn đau sẽ giảm đi rõ rệt.
Chườm ngải cứu và muối hột
Chuẩn bị: 1 bó ngải cứu to, 1 nắm muối hột
Thực hiện: xào nóng ngải cứu với muối. Sau đó cho vào khăn mỏng chườm lên nơi bị đau. Khi nguội, sao lại và dùng tiếp. Nên làm trước khi ngủ, trong 2 tuần.
Phương pháp chườm lạnh bằng lá ngải cứu
Ngoài chườm nóng còn có thể chườm lạnh để giúp tuần hoàn máu. Hiệu quả của chườm lạnh không bằng chườm nóng nhưng an toàn và dễ thực hiện hơn. Đối với các trường hợp bị nhẹ, có thể dùng cách chườm lạnh như sau:
- Rửa sạch lá rồi để ráo, sau đó nấu sôi với 300ml nước.
- Sau khoảng 10 phút thì thêm một chút muối vào.
- Lấy phần nước ngải cứu ra và để nguội cho vào túi vải cùng với đá rồi chườm lên khu vực cổ vai gáy bị đau. Xoa nhẹ.
- Sau khi chườm xong, lau sạch và bôi một lớp dưỡng ẩm hoặc vaselin lên để tránh bị khô hoặc tổn thương da vì lạnh.
- Mỗi ngày chườm như vậy khoảng 10 phút.
Đắp lá ngải cứu với lá lốt
Ngoài ra, có thể đắp hỗn hợp ngải cứu và lá lốt lên vùng cơ bị đau. Chỉ cần giã nhuyễn cả hai với một ít muối hạt rồi đắp trực tiếp hỗn hợp thuốc lên khu vực bị đau mỗi ngày, cơn đau sẽ giảm nhanh chóng.
Tác dụng của lá ngải cứu trong y học hiện đại
Giá trị của lá ngải cứu ngày một cao vì sự công nhận của cả y học cổ truyền và y học hiện đại. Trước đây, chúng chỉ phổ biến trong dân gian. Sau đó, du nhập từ các bài thuốc của người Hoa, Đông y bắt đầu chú ý tới loài thực vật này.
Tuy nhiên, mãi đến những năm 1950 thì Tây y mới bắt đầu công nhận những hiệu quả của chúng. Bắt đầu với các triệu chứng của bệnh gan to và lao xương, chúng được đưa vào nhiều nghiên cứu hơn.
Từ các kết quả thực nghiệm, khoảng 20 năm sau người ta đã thống kê được khoảng 100 triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm nhờ sử dụng lá ngải cứu. Tới năm 2000, số lượng bệnh đã lên đến 200. Như vậy, đây là loài cây rất có giá trị và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu để ứng dụng triệt để. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, rất có thể sẽ có những phương pháp sử dụng kết hợp cả Đông và Tây y.
Các sản phẩm từ ngải cứu
Một số ứng dụng khác
Ứng dụng của lá ngải cứu trong ẩm thực
Món ăn từ lá cứu
Lá ngải cứu còn là một nguyên liệu phổ biến trong món ăn. Không chỉ ngon miệng mà chính những món ăn này cũng là bài thuốc giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Một số món ăn phổ biến bao gồm món gà ác hầm ngải cứu, trứng rán, óc heo chưng lá ngải cứu và món bánh ngải cứu là đặc sản của Lạng Sơn. Chúng đặc biệt hợp với các món gà như lẩu, hầm, canh gà với tác dụng hỗ trợ cơ thể qua cơn suy nhược.
Trà ngải cứu
Sử dụng trà ngải cứu là một trong những cách để giảm các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa, đau bụng kinh, các triệu chứng suy nhược như mất ngủ, muộn phiền, căng thẳng…
Có thể pha trà ngải cứu từ lá khô nghiền nát hoặc các bộ phận khác như rễ và thân. Đối với lá tươi, nên cắt 1/3 thân trên của cây và treo ngược lên ở chỗ kín (tương tự như bạc hà), chờ cho chúng khô rồi ngâm trong nước sôi. Sau đó lọc bỏ bã và có thể thêm mật ong hoặc đường phèn để dễ uống hơn.
Tinh dầu ngải cứu
Tinh dầu ngải cứu được sử dụng để chống muỗi và chống ký sinh trùng. Trong tinh dầu ngải cứu có hoạt chất artemisinin có tác dụng chống sốt rét.
Khói từ ngải cứu có tác dụng xua đuổi côn trùng
Người ta xông khói bằng tinh dầu ngải cứu để đuổi ruồi đồng thời ngăn chặn các loại mọt đục phá đậu và các loại hạt. Trong tinh dầu có chứa long não làm cho sâu bướm tránh xa. Trong ngành mỹ phẩm và dược phẩm, người ta tận dụng tính chất này để làm chất bảo quản tự nhiên.
Lưu ý khi sử dụng ngải cứu
Những ai không nên dùng?
- Phụ nữ có thai, trong 3 tháng đầu thai kỳ không nên sử dụng.
- Một số bệnh không được dùng ngải cứu: viêm gan, xơ vữa động mạch vành, sỏi thận, rối loạn đường ruột cấp.
- Nếu bệnh nhân dị ứng với thực vật họ Asteraceae (cà rốt, cần tây, hoa cúc, ragweed) thì không được dùng ngải cứu.
- Nếu bệnh nhân dị ứng mật ong, cao su, ô liu, hạt phỉ, đào, kiwi, sữa ong chúa, mù tạt trắng thì có khả năng cao cũng sẽ dị ứng với ngải cứu.
Ảnh hưởng đối với bệnh động kinh
Ngải cứu có chứa hoạt chất Thujone gây ra kích thích não bộ, vì thế chúng có thể phản ứng ngược lại với thuốc chống co giật, gây ra tình trạng co giật nặng hơn dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân thận có được sử dụng ngải cứu không?
Axit Aristolochic trong lá ngải cứu là một chất gây hại cho thận. Vì thế người có bệnh thận không nên tự ý sử dụng các loại thảo dược chứa chất này.
Lá ngải cứu có dược tính cao, đây là ưu điểm nhưng đôi khi sẽ gây phản ứng không tốt nếu sử dụng quá liều lượng cho phép. Vì vậy, chỉ nên ăn hoặc uống 1 – 2 lần/tuần và mỗi lần sử dụng một lượng ít. Đối với các bài thuốc ở trên, cần tham khảo thầy thuốc để có hướng dẫn chuyên môn.
Nếu cơ thể đang trong những thời kỳ nhạy cảm, như: mang thai, cho con bú, có bệnh mãn tính, tình trạng bệnh nặng, cơ thể dễ dị ứng… thì nên cẩn thận trước khi sử dụng.
Cách trồng và chăm sóc cây ngải cứu
Nhân giống và chăm sóc
Hạt của loài thực vật này không nảy mầm thành cây mà chúng được nhân giống bằng cách giâm cành. Chỉ cần chọn cành giâm khoảng 10cm, cắt bớt lá nhưng không cắt hết để cây quang hợp; sau đó giâm cành vào khay giá thể đã chuẩn bị. Giá thể cần sạch, tơi và đủ ẩm. Trong thời gian chờ cây ra rễ ổn định, cần giữ giá thể luôn ẩm. Khi cây ra nhiều mầm lá mới chứng tỏ rễ con bắt đầu lan ra đất, có thể xới nhẹ kiểm tra rồi tách ra chậu riêng.
Nếu trồng thành luống, mỗi cây cần cách nhau khoảng 25cm. Nên bón lót bằng phân chuồng ủ hoai mục và bổ sung dinh dưỡng sau khi thu hoạch.
Cây ngải cứu ưa ẩm, vì thế giá thể cần thoáng nhưng giữ ẩm tốt. Có thể đặt cây ở nơi nhiều ánh sáng nhưng tránh nắng gắt. Chú ý lượng nước tưới phù hợp, tránh để cây bị quá khô sẽ héo rũ và kém lượng tinh dầu. Mùa mưa, hạn chế tưới nước kẻo cây bị úng rễ.
Thu hoạch lá và thân ngải cứu
Các bộ phận trên không của cây chết hàng năm nên chúng được thu hoạch khi bắt đầu ra hoa. Các bộ phận thu được bằng cách cắt ngọn của chồi non, trong khi phần thân gỗ bị bỏ đi. Sau đó, chúng được làm khô trong các kho phơi thoáng. Sau khi sấy khô, loại thảo mộc này có vị cay, đắng và thơm.
Nếu ở nơi có mùa đông, thời điểm thích hợp để thu hoạch củ là vào đầu mùa đông. Sấy khô ở 40 độ C. Rễ được thu hái đúng cách và phơi khô sẽ giòn và có màu nâu nhạt.
Tổng kết
Quá nhiều tác dụng của lá ngải cứu đã được cả Đông y và Tây y công nhận, vì thế chúng trở thành một loại thảo dược nên có sẵn trong vườn rau gia đình. Chúng có thể được chế biến thành món ăn, thành nước uống và sử dụng như một bài thuốc đơn giản khi cần thiết.
©Copyright by Moc Nhien Farm