Lá giang
Ưa nắng nhiềuMô tả
Lá giang không chỉ phổ biến với công dụng của một món ăn ngon mà còn là một dược liệu quý. Vì vậy, chúng được trồng rất nhiều trong vườn rau gia đình, bổ sung vào thực đơn những món ăn vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe. May mắn thay, chúng lại vô cùng dễ trồng. Hãy cùng Mộc Nhiên khám phá cách chăm sóc cùng những điều thú vị về loại rau này nhé.
- Tên khoa học: Aganonerion Polymorphum
- Tên tiếng Anh: Sour soup creeper, River leaf
- Tên gọi khác: dây cao su, dây giang, lá lồm, giang chua, lá vón vén, lá sủm lum, lá vang, lá dang
Lá giang và những thông tin cần biết
Đặc điểm về cây lá giang
Cây lá giang thuộc giống cây dây leo, có chiều dài dao động từ 1,5 – 4m. Loại cây này thường mọc bò dưới mặt đất hoặc bám vào những thân cây lớn để phát triển. Càng về già thân càng có màu nâu sẫm và bề mặt nhẵn. Chúng có mủ màu trắng.
Lá mọc đối, hình trái xoan, gốc tù hoặc có hình trái tim, đầu lá nhọn sắc, phiến mỏng. Độ rộng của lá từ 2 – 5cm và dài 3,5 – 10cm. Mặt dưới lá có màu đậm hơn mặt trên. Khi ngắt lá tiết ra nhựa có màu trắng sữa và có vị chua dịu khi ăn.
Hoa thường nở thành chùm ở đầu ngọn, mỗi chùm có 2 – 5 bông và xuất hiện với màu trắng hoặc màu đỏ. Cấu tạo của hoa gồm có: 5 cánh hoa đều nhau, có đài hoa hình ống và tràng hoa hình chuông. Hoa thường có 5 nhị ngắn và nhiều noãn. Tháng 5 âm lịch được xem là khoảng thời gian ra hoa đồng loạt của chúng.
Quả có màu đen, trên bề mặt có các khía rãnh. Bên trong có chứa hạt thuôn, màu nâu, có chùm lông dài màu trắng. Chiều dài hạt khoảng 3 – 4mm.
Phân bố
Lá giang là loài thực vật có nguồn gốc và phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Ở nước ta, bạn có thể tìm thấy chúng ở bất cứ ven rừng hay bất kì đồi cây bụi nào ở các tỉnh miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do có vị chua và thơm ngon nên chúng thường được thu hái làm rau hoặc gia vị nấu canh.
Câu chuyện về cái tên của lá giang
Cái tên “lá vang” gắn với câu chuyện sau: người thượng cổ trong thời kỳ hái lượm khi nếm thử lá này nó có vị chua lè như dòng điện cao thế, vang lên tới óc. Thế nên người đó đã đặt cho cái cây này tên là lá vang.
Có người lại cho rằng cây này tên là “lá dang” vì nó được tạo ra từ một chuyện tình buồn. Chữ dang được hiểu là chữ “duyên” nên cái tên được đặt để hy vọng những duyên lành sẽ đến khi người ta yêu nhau.
Chữ giang trong cái tên “lá giang” ám chỉ sông nước. Bắt nguồn từ câu chuyện truyền miệng về một người đi qua sông, cầm bó lá té xuống sông trong lúc đang xỏ xiên 2 cái tên có sẵn. Khi được đưa vào bờ, ông ta hô to rằng đây đích thị là lá “giang” rồi. Những người xung quanh cũng tỏ ý đồng tình vì ông ta vừa mới “té giang” mà.
Lá giang – nguyên liệu tuyệt vời cho những món ăn ngon
Một số món ăn phổ biến từ lá giang
Không chỉ được biết đến với tác dụng chữa bệnh, mà phần lớn lá giang còn được dùng để chế biến những món ăn ngon và bổ dưỡng. Một câu hỏi được khá nhiều người quan tâm đến là loại rau này nấu gì ngon? Từ lâu thì bà con đã sử dụng để nấu canh hoặc xào với các loại thịt như thịt bò, thịt heo, thịt vịt... Chính nhờ sự kết hợp tuyệt vời ấy đã tạo nên những món ăn vô cùng hấp dẫn. Một số món ăn phổ biến như:
- Canh chân gà lá giang
- Gà xào lá giang
- Lẩu gà lá giang
- Thịt bò xào lá giang
- Vịt nấu lá giang
- Canh cá nấu lá giang
- Canh nghêu lá giang
Những món ăn vùng miền nổi tiếng nhất
Thịt trâu nấu lá giang
Đây là món ăn dân dã, đặc sản của ẩm thực dân tộc Mường ở Tây Bắc. Món ăn này mang đậm hương vị dịu ngọt của thịt trâu, chua thanh dịu nhẹ của lá giang. Cái hay của món ăn chính là từ vị chua thanh của lá đánh tan được mùi gây của thịt trâu.
Canh gà lá giang
Đây là món canh quen thuộc ở nhiều vùng miền, có mặt ở nhiều nhà hàng Việt Nam. Ngoài ra, món ăn này còn giúp cải thiện sức khỏe bởi nó có tính thanh nhiệt và giải độc tốt. Món ăn hỗ trợ chữa bệnh viêm bàng quang, trĩ xuất huyết, sản hậu băng huyết và suy nhược cơ thể.
Để có được món canh ngon này cũng không quá khó làm. Thịt gà sau khi đã được rửa sạch và băm nhỏ thì mang đi đun sôi tới chín. Sau đó, cho lá giang đã được vò nát vào. Đun thêm cho tới khi lá chín, nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn.
Sau khi hoàn thành, món ăn sẽ có vị chua thanh nhẹ của lá giang hòa với vị béo béo của thịt gà, vị cay của ớt và thêm nhiều hương vị của các nguyên liệu khác. Đây là món ngon rất thích hợp trong những dịp đặc biệt như họp nhóm bạn bè, gia đình.
Canh chua lá giang
Đây không phải món canh chua bình thường đâu, mà vị chua chủ yếu từ lá giang mà có. Vị ngọt, thanh, chua nhè nhẹ kết hợp với cá khô hoặc cá tươi đều ngon tuyệt cú mèo.
Món canh chua xuất hiện trong những buổi chiều mưa thẽ thọt bên hiên. Món canh chua nóng hổi xì xụp bên bàn nhậu. Và cũng là món canh chua đón người thân quen ở xa về, để đỡ thòm thèm mùi vị ký ức. Món canh này không khó nấu, lại mang theo nhiều ký ức. Vì thế, nó trở thành một trong những món ăn phổ biến nhất khi nhắc tới loại rau này.
Công dụng của lá giang trong y học
Bộ phận sử dụng
Lá giang được xem là một vị thuốc chữa bệnh rất hiệu quả, có tác dụng rất lớn đến nền y học hiện đại và y học cổ truyền. Hầu như toàn bộ cây đều được sử dụng để làm dược liệu. Từ lá, thân đến rễ đều được dùng làm thuốc. Trong đó cành và lá được sử dụng phổ biến, còn rễ thì ít sử dụng hơn.
Theo các nhà nghiên cứu khoa học, loại cây này có chứa các thành phần hóa học như: vitamin C, carotene, gluside, saponin... hỗ trợ chữa chứng không tiêu, bụng đầy trướng, đau dạ dày, đau nhức xương khớp... Ngoài ra, cao được chiết xuất từ lá giang rất lành tính giúp ức chế 9 loại vi khuẩn, tiêu viêm cấp tính.
Các tác dụng và bài thuốc từ cây lá giang
- Chữa viêm đường tiết niệu: sử dụng thân và lá, mang đi rửa sạch và hãm với nước sôi. Dùng thay cho trà hay dùng để uống thay cho nước uống hằng ngày. Dùng liên tục trong vòng nửa tháng để có thể thấy hiệu quả.
- Chữa đầy bụng và khó tiêu hóa: lá có chứa một lượng nhỏ axit tạo nên vị chua và lượng lớn saponin giúp chữa bụng đầy trướng. Sắc 30 – 50gr lá giang sau khi đã được rửa sạch, uống đều đặn từ 3 – 5 ngày sẽ giúp người bệnh cải thiện rõ rệt.
- Chữa vết thương, mụn nhọt và lở ngứa ngoài da: sử dụng lá tươi đã được rửa sạch, giã nát và đắp lên vết thương.
- Chữa đau dạ dày và đau nhức xương khớp: dùng rễ hoặc lá mang đi sắc cùng với một số loại thuốc trị đau khác để gia tăng tính hiệu quả. Ngoài ra, có thể dùng lá đun với nước uống hằng ngày.
- Giúp giải nhiệt, giải độc: sử dụng lá giang đã được rửa sạch, mang đi giã lấy nước uống giúp thanh nhiệt và giải độc cho cơ thể.
Lưu ý khi sử dụng lá giang
- Khi chế biến, tuyệt đối không được sử dụng nồi nhôm để nấu. Trong lá giang có chất gây ăn mòn kim loại, làm nồng độ nhôm trong canh tăng cao có thể dẫn tới ngộ độc. Khi nấu canh chín bạn hãy để ngay ra bát sứ, không nên để trong nồi lâu.
- Tuy được biết đến là một loại dược liệu không có độc tính nhưng không nên dùng cho người bị bệnh gút cấp và bệnh sỏi thận.
- Khi người bệnh sử dụng trong điều trị dài hạn nên tham vấn ý kiến y khoa để biết liều dụng cụ thể phù hợp với mục địch sử dụng.
Cách trồng và chăm sóc
Cách nhân giống lá giang
Cây có thể được gieo hạt, trồng bằng cây non hoặc trồng bằng hom (giâm cành). Đầu mùa xuân và mùa thu là khoảng thời gian thích hợp để có thể trồng loại cây này.
- Việc gieo hạt tuy không năng suất cao bằng giâm cành nhưng cũng vẫn phổ biến. Có thể ngâm ủ hạt giống trước khi gieo, tỷ lệ nảy mầm sẽ cao hơn.
- Cách trồng bằng hom: dùng kéo hoặc dao để cắt hom, tránh sây sát hom. Tiếp đó lấy một que nhọn chọc lỗ sâu, cắm hom vào, ém chặt đất vào gốc hom. Sau khoảng 1 – 2 tháng, trên thân sẽ xuất hiện chồi mới, chứng tỏ thân bắt đầu ra rễ. Đến khi chồi mới dài ra khoảng 25cm, có thể kiểm tra bầu rễ đã nhiều rễ chưa. Nếu cây đã ổn định thì có thể mang ra trồng ngoài nắng.
- Trồng bằng cây giống hoặc cây con có sẵn, khi nhổ phải bứng cả bầu đất xung quanh gốc giúp tăng tỷ lệ sống cho cây.
Cách chăm sóc cây lá giang
- Lá giang có thể phát triển tốt ở nhiều loại đất khác nhau. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất từ phân bò hoai mục với nấm.
- Vì là cây dây leo nên cần làm giàn. Thường xuyên cắt tỉa để cây ra nhiều nhánh, có nhiều lá để thu hoạch và sử dụng.
- Thường xuyên dọn cỏ và bón phân đầy đủ cho cây.
- Loài thực vật này ưa nhiều nắng và cần tưới đủ nước để cây phát triển tốt nhất.
- Khi thu hái lá, có thể dùng phương pháp sấy lạnh để bảo quản dùng dần. Lá giang sấy lạnh khi nấu lên vẫn cho hương vị thơm ngon như lá tươi.
Tổng kết
Lá giang chất chứa hương vị quê hương, là nguyên liệu cho nhiều món ăn gây thương nhớ mà ai đi xa cũng thèm được dùng lại. Việc trồng và chăm sóc cây không quá khó, vì vậy mà nhiều gia đình đã tự trồng và sử dụng thường xuyên.
©Copyright by Moc Nhien Farm