Cây sâm láng
Ưa nắng nhiềuMô tả
Cây sâm láng là loại cây dây leo, lá bóng đẹp, màu xanh tươi mướt mắt. Cây dễ trồng, phát triển rất mạnh, có thể leo tới 10m. Cây cho sản phẩm thạch sâm dùng để giải khát, hạ nhiệt. Đây còn là vị thuốc để chữa bệnh táo bón, mát gan, rất được ưa dùng trong Đông y.
- Tên khoa học: Tiliacora Triandra
- Tên gọi khác: sương sâm trơn
Đặc điểm của cây sâm láng
Cây sâm láng là loại cây dây leo. Thực tế đây là một loài cây mọc hoang có sức sống mãnh liệt, dần dần trở nên quen thuộc với mọi người và được đem về trồng. Cây có thể leo cao tới 10m, tuổi thọ rất bền, không kén đất trồng.
Lá bóng mượt, không lông, màu xanh tươi tắn rất đẹp không gian trồng. Lá có hình trái tim, trơn nhẵn. Cây cho hoa chùm, màu vàng. Quả dài khoảng 10cm, hình trái xoan. Quả chín có màu tím đậm, có khi là tím đen. Còn có loại sương sâm lông, với lớp lông mềm phủ trên mặt lá. Lớp lông này là đặc điểm phân biệt 2 loại sâm lông và sâm trơn.
Ở Việt Nam, sâm láng được biết đến với món giải khát thạch sương sâm nhưng ở Lào và Thái, đây là một món rau nổi tiếng để ăn kèm với lẩu. Tại Farm, Mộc Nhiên thường tận dụng để làm các món ăn và giải khát khác nhau.
Cây có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á. Hiện nay chúng phổ biến nhiều nhất trong ẩm thực Lào, Thái Lan và Việt Nam. Riêng ở nước ta, chúng còn được dùng để trang trí, làm thành giàn leo rợp bóng mát. Ở 3 đất nước này, sâm láng chính là 1 sản phẩm có giá trị kinh tế cao, mang lại lợi nhuận và lợi ích đa dạng.
Ứng dụng của cây sâm láng trong ẩm thực
Thông tin chung về cây sâm láng
Từ rất lâu rồi, sương sâm đã là một món giải khát hấp dẫn đối với một số quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Lào... Đặc biệt cây sâm láng rất dễ trồng và phát triển nhanh. Vì thế, chúng đang trở thành một trong những cây trồng nên có tại vườn nhà. Chúng vừa tạo không gian xanh mát mắt vì giàn leo nhanh phủ kín vừa mang lại nhiều lợi ích cho đời sống.
Loại sâm này có tính mát, hạ nhiệt, nhuận tràng, rất tiện dùng trong gia đình. Không chỉ được ưa chuộng vì ứng dụng trong ẩm thực, đây còn là một vị thảo dược.
- Bộ phận sử dụng: tất cả, nhưng lá phổ biến nhất.
- Thu hoạch và bảo quản: lá có thể được thu hoạch sau 3 – 4 tháng trồng, bất kỳ thời điểm nào quanh năm. Sau khi thu hái, cần rửa sạch, phơi khô, tránh ánh nắng trực tiếp. Bảo quản trong lọ kín và để nơi thoáng mát. Không sử dụng khi có dấu hiệu ẩm mốc.
Sử dụng lá cây sâm láng làm thạch và nhiều món ăn giải khát
Thạch sương sâm là sản phẩm phổ biến nhất, được yêu thích nhiều nhất trong các ngày nắng nóng. Cả 2 loại sương sâm lông và trơn đều làm thạch được. Sản phẩm hoàn thành đều có màu xanh lục đậm. Nhưng sâm láng giòn và dễ tan hơn so với sâm lông. Chúng có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Vì hương vị không quá ngọt nên rất dễ sử dụng.
Cách làm thạch sương sâm khá đơn giản: lá tươi rửa sạch, thái nhỏ. Xay nhuyễn với nước ấm, đường và ít muối. Sau đó lọc lấy nước. Phần nước này chỉ cần để trong ngăn mát sẽ tự đông lại. Chỉ cần cắt ra làm thành topping cho cà phê, trà sữa, hoặc các món chè. Nếu muốn ăn trực tiếp, bỏ đá cùng 1 ít đường là đủ vị thanh mát cho ngày hè.
Thông thường, ưu tiên sử dụng lá tươi để giữ được hương vị nguyên vẹn nhất. Tuy nhiên, hiện nay đã có thêm những sản phẩm bột sương sâm được bày bán ở siêu thị. Thành phần của chúng cũng khá nguyên chất và có thể nhanh chóng chế biến thành 1 ly sương sâm mát rượi. Miếng thạch giòn giòn, để lạnh mát rượi. Có thể thêm chút nước cốt dừa béo để làm thành món chè sâm sâm tuyệt cú mèo!
Ngoài ra, lá sương sâm trơn còn có thể dùng để tạo màu xanh cho các món ăn, món giải khát, rau câu, thạch, bánh kẹo...
Hiệu quả của cây sâm láng dưới góc nhìn y học
Thanh nhiệt
Lá có tính mát, vì vậy chúng sẽ giúp hạ đường huyết. Chúng hỗ trợ người bị cao huyết áp và người bị tiểu đường. Tuy nhiên, người có huyết áp thấp không nên sử dụng thường xuyên. Đặc tính mát này cũng hỗ trợ bài tiết, giúp cho người bí tiểu có thể giải quyết tạm thời vấn đề sức khỏe của họ, cải thiện chức năng thận.
Lá sâm láng cũng có hoạt chất flavonoid mang tính ôxy hóa cao và hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể. Vì thế, sử dụng các sản phẩm của chúng có thể giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Ngừa ung thư
Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong lá sương sâm có chứa hàm lượng cao flavonoid – hoạt chất giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư. Bên cạnh đó, hoạt chất này còn có tác dụng chống lại các quá trình oxy hóa và tăng hấp thụ vitamin C.
Lá còn có 1 số tác dụng khác lên cơ thể. Tuy nhiên, chúng không được y học sử dụng nhiều trong việc chữa bệnh. Chỉ có đặc tính thanh nhiệt và giải khát là đặc biệt phổ biến, hầu như ai cũng biết đến và từng sử dụng.
Các lưu ý khi sử dụng cây sâm láng
- Sâm láng có tính mát, vì thế khi sử dụng cần chú ý tới tình trạng cơ thể. Nhiều quá có thể gây tiêu chảy, hạ huyết áp.
- Phụ nữ có thai và cho con bú không nên sử dụng nhiều.
- Cần rửa lá thật sạch trước khi sử dụng, tránh các trường hợp ngộ độc.
Cách trồng và chăm sóc cây sâm láng
Nhân giống cây sâm láng (sương sâm trơn)
Tương tự như các loại cây lấy lá khác, sâm láng cũng có thể nhân giống, bằng phương pháp giâm và chiết cành. Về kỹ thuật, yêu cầu chung về các điều kiện cũng giống nhau như sau:
- Chọn cành khỏe, không sâu bệnh, đủ tuổi trưởng thành.
- Giá thể giâm cần tơi, thoát nước tốt và giữ ẩm tốt. Tham khảo công thức giá thể trong bài cây trà dr thanh.
- Luôn giữ ẩm bầu đất và cành giâm hoặc cành chiết, cho tới khi chúng phát triển thành cây con.
- Việc ra mầm mới chưa phải là yếu tố quyết định thành công. Cần chờ thêm 2 – 3 tháng để bầu rễ đã bám chặt vào giá thể thì mới nên chuyển chậu.
- Cây mới chuyển chậu cần đặt ở nơi ít ánh sáng, thoáng nhưng không có gió mạnh. Đưa cây ra thích nghi với ánh sáng dần dần.
- Đối với cành chiết, cần chọn cành lớn để cây nhanh phát triển. Khi bóc vỏ, cần bóc 1 đoạn khoảng 3cm và cạo sạch rồi mới bọc cành.
Cách chăm sóc cây sâm láng
Bón phân
- Bón phân chuồng (đã hoai mục) hàng năm để hỗ trợ cải tạo đất.
- Nên bón đạm trước khi cắt tỉa và bổ sung thêm đạm khi cây đâm chồi, ra lá. Vì là cây ăn lá nên dinh dưỡng chủ yếu tập trung ở lá. Thời gian lá phát triển, có thể bón tiếp kali và lân.
- Trước và sau khi cắt tỉa, cần bổ sung phân bón hữu cơ. Nhờ vậy, cây có năng lượng dự trữ để hồi phục.
Tưới nước và ánh sáng
Cây sâm láng cần lượng nước khá lớn nhưng chúng cũng có khả năng chịu nắng rất cao. Nên đặt cây ở nơi nhận được nhiều ánh sáng và tưới nước hàng ngày. Thông thường, rễ chúng hút nước rất nhanh nên có thể phải tưới 2 lần/ngày vào mùa nóng. Vào mùa mưa, cần nhìn mặt chậu trước khi tưới.
Cắt tỉa và làm giàn
Cắt tỉa các cành bệnh, cành già, ngắt lá vàng... để cây tập trung dinh dưỡng nuôi lá mạnh khỏe. Vì leo rất nhanh, chúng cần được làm giàn từ sớm.
Các bệnh thường gặp
Vì là một loại thảo dược nên chúng ít khi bị sâu bệnh tấn công.
Tổng kết
Cây sâm láng là nguồn nguyên liệu phổ biến của món ăn giải khát rất thông dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, với những dược tính tốt, việc sử dụng đúng cách còn giúp tăng cường sức khỏe. Vì thế, đây là 1 loại thảo dược quý. Vì dễ dàng chăm sóc nơi vườn nhà nên chúng càng được đánh giá cao.
©Copyright by Moc Nhien Farm