Cây thuốc dòi
Ưa nắng nhiềuMô tả
Cây thuốc dòi còn gọi là cây bọ mắm. Chúng hay được dùng kết hợp với các loại lá khác để nấu món nước mát giải khát. Chúng có tính thanh nhiệt và giải độc rất tốt. Không chỉ vậy, cây bọ mắm còn có nhiều dược tính hữu ích cho cơ thể. Hơn nữa, việc trồng và chăm sóc chúng khá đơn giản nên rất được ưa thích. Tất cả những đặc tính tốt nhất của loài thảo dược này sẽ được tổng hợp trong bài viết dưới đây.
- Tên khoa học: Pouzolzia Zeylanica
- Tên tiếng Anh: Graceful pouzolzsbush
- Tên gọi khác: cỏ dòi, bọ mắm, dòi ho
Cây thuốc dòi – đặc điểm và nguồn gốc
- Thuốc dòi là cây thân thảo lâu năm. Thân mọc thẳng, chiều cao chỉ tới khoảng 0,4m. Cây phân nhiều nhánh ngả về nhiều hướng. Thân có màu tía và có lông.
- Lá hình trứng, nhọn ở đầu, có gân rất rõ. Lá màu tía và màu xanh lục, rộng khoảng tới 2.5cm và dài khoảng tới 9cm. Chúng được bao phủ bởi những sợi lông dài màu trắng, đặc biệt là dọc theo mép lá. Lá có lông ở cả 2 mặt, bên dưới nhiều hơn.
- Hoa nhỏ, nở quanh năm thành cụm, mọc ở kẽ lá. Cây có quả nhỏ màu trắng hoặc vàng, nâu.
- Cây có xuất xứ từ Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Cây bọ mắm này vốn dĩ là cây mọc hoang ở những nơi ẩm ướt. Dân gian thấy có nhiều dược tính tốt nên đem về trồng. Hiện nay chúng là 1 loại thảo dược được trồng nhiều nơi vườn nhà và vườn dược liệu.
Công dụng của cây thuốc dòi trong y học cổ truyền
Cây có vị ngọt, tính mát. Bộ phận được sử dụng gồm thân, lá và rễ. Đây là loại dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền của nhiều nước. Chúng phổ biến với các tác dụng trị bệnh như sau:
- Hỗ trợ giảm các triệu chứng ho, cảm cúm, đau họng.
- Lá có chất chống oxy hóa, vì thế chúng có tính kháng viêm cao. Có thể đắp để tan vết bầm, mụn nhọt. Uống nước để giải độc, thanh nhiệt, lợi tiểu và giảm viêm sưng vú.
- Ở Ấn Độ, dịch chiết của chúng được dùng để trị rắn cắn.
- Người Malaysia dùng lá thuốc dòi cho phụ nữ sau sinh bị tắc tia sữa.
- Chúng còn có tên là cây bọ mắm vì được sử dụng để diệt dòi trong mắm.
Cây thuốc dòi (cây bọ mắm) và các bài thuốc chữa bệnh
Chữa ho, đau họng, viêm mũi
- Bài thuốc 1: chuẩn bị 10 – 20gr lá hoặc thân cây bọ mắm khô, sắc nước uống mỗi ngày.
- Bài thuốc 2: chuẩn bị 20 – 30gr lá hoặc hoa của cây thuốc dòi, 1 ít muối hột. Giã nát lấy nước cốt và ngậm. Làm liên tục 7 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Có thể chưng cách thủy với mật ong để chữa bệnh ho và cả ho lao.
Ngoài ra, đối với bệnh lao phổi, có bài thuốc kết hợp thuốc dòi và long thảo dơi. Sử dụng nước sắc 1 thời gian sẽ có tiến triển tốt.
- Điều trị các triệu chứng viêm phế quản và đau nhức răng
Chuẩn bị 1 ít lá bọ mắm tươi, rửa sạch. Cách đơn giản và dễ thực hiện nhất là nhai rồi nuốt nước lá.
- Bài thuốc trị viêm mũi
Chuẩn bị: 15gr hoa và lá thuốc dòi, 1 ít muối hột. Giã nát và lọc lấy nước. Dùng bông thấm dung dịch này thoa vào khu vực bị viêm mũi thì sẽ nhanh chóng thấy giảm sưng đau.
Các bài thuốc khác
Thanh nhiệt, thải độc, rong kinh: nấu nước uống, có thể kết hợp với bông mã đề, râu ngô để có hương vị ngon hơn và hiệu quả hơn.
Chữa viêm sưng vú, mụn nhọt: giã nát lá bọ mắm và đắp trực tiếp lên vị trí bị sưng, nhọt.
Dạ dày nhiễm vi khuẩn Hp
Sử dụng 100gr lá bọ mắm, rửa sạch, xay cùng với 250ml nước. Uống nước này hàng ngày sẽ giảm các triệu chứng đau dạ dày do nhiễm vi khuẩn Hp.
Tăng cường miễn dịch
Lá thuốc dòi được kết hợp cùng với dây cóc, gừng, hoàng liên ô rô để làm thành cao chiết. Sử dụng thường xuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Lưu ý khi sử dụng cây thuốc dòi
- Nếu sử dụng bài thuốc lợi tiểu, cần chú ý liều dùng. Nếu sử dụng quá liều có thể gây mất nước.
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú nếu cần dùng phải có sự theo dõi của bác sĩ.
- Không nên sử dụng quá nhiều, có thể gây hạ huyết áp đột ngột. Đặc biệt những ai có thân nhiệt thấp, cơ địa tính hàn, cần lưu ý kỹ và nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu sử dụng lâu ngày.
- Dược liệu cần được rửa sạch và bảo quản kỹ nếu để lâu.
Cách trồng và chăm sóc cây thuốc dòi
Nhân giống cây thuốc dòi (bọ mắm)
Cây có thể được nhân giống cách đơn giản bằng phương pháp giâm cành. Lưu ý những điều sau:
- Khi cắt cành giâm, cần chọn cành khỏe, không sâu bệnh. Kéo cắt cần sắc và vát chéo thật gọn. Có thể ngâm dung dịch kích rễ nhưng điều này không cần thiết lắm.
- Giá thể cần sạch và thoáng, vừa giữ ẩm tốt vừa thoát nước tốt.
- Sau khi cắm cành giâm vào giá thể đã được chuẩn bị, đặt khay hoặc chậu ở nơi kín gió và tránh ánh nắng. Giữ ẩm giá thể và phun sương để giữ ẩm cành giâm cho tới khi chúng nảy mầm lá mới.
- Chỉ nên tách chậu sau khoảng 2 tháng, khi bầu rễ đã ổn định. Sau khi tách chậu riêng, đưa cây thích nghi với ánh sáng dần dần.
Cách chăm sóc cây thuốc dòi
- Cây ưa sáng, phù hợp với khu vực có nắng nhiều. Nên chọn những nơi có ánh sáng không quá gắt và cũng không quá yếu. Nắng gắt có thể làm chúng bị khô và ảnh hưởng tới chất dinh dưỡng trong cây.
- Nên sử dụng phân hữu cơ vi sinh. Cây thuốc dòi không đòi hỏi quá nhiều về thời điểm bón phân nhưng chúng cần bổ sung dinh dưỡng định kỳ để bảo đảm dưỡng chất cho cây.
- Sau khi trồng, thường xuyên tưới nước cho cây vào buổi sáng và chiều. Khi cây bén rễ, thì bón thúc để cây hấp thu được chất dinh dưỡng.
- Cần cắt tỉa gọn gàng sau khi thu hoạch, để cây ra nhiều nhánh mới khỏe mạnh. Ngoài ra, nên kiểm tra cây thường xuyên để kịp thời cắt bỏ những lá úa, vàng, sâu bệnh.
- Có thể thu hoạch quanh năm. Sau khi thu hái, rửa sạch và phơi khô. Bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Không sử dụng khi dược liệu bị ẩm mốc.
Tổng kết
Việc sử dụng thảo dược quý giá trong tự nhiên để hỗ trợ điều trị bệnh được bắt nguồn từ y học cổ truyền lâu năm. Y học hiện đại cũng bắt tay vào nghiên cứu dược tính của cây cỏ để tận dụng nguồn nguyên liệu làm thuốc. Cây thuốc dòi cũng nằm trong số những loài thảo mộc sở hữu dược tính hữu ích đối với việc hỗ trợ điều trị một số bệnh. Vì thế, chúng đã được sử dụng trong y học cổ truyền từ lâu và tới nay vẫn còn nguyên giá trị.
©Copyright by Moc Nhien Farm