Giao hàng toàn quốc, được kiểm tra trước khi thanh toán. Đảm bảo cây sống và không gãy. Hướng dẫn chăm và tên cây được gửi cùng đơn hàng. Liên hệ: 0922 90 90 22

Cây chúc (chanh Thái)

Ưa nắng nhiều
45,000₫ / cây 15 cm (hình 2)
- +

Có sẵn: 2

Mô tả

Khi nhắc đến các loại giàu vitamin C thì quả của cây chúc là một cái tên rất phổ biến. Chúng còn được gọi là “chanh não người” vì hình dáng quái dị. Không phải ai cũng biết loại quả này có nhiều điểm tương đồng với chanh. Điều đặc biệt là chúng có phần giàu dinh dưỡng hơn với nhiều ứng dụng xuất sắc hơn cả chanh thường nữa. Hãy cùng Mộc Nhiên tìm hiểu về loại cây này nhé.

  • Tên khoa học: Citrus Hystrix
  • Tên tiếng Anh: Kaffir lime
  • Tên gọi kháccây chanh Thái, cây trúc, cây trấp, cây chấp, cây giấp

 

Cây chúc và những thông tin tổng quát

Nguồn gốc và phân bố của cây chúc

Không chỉ có mặt tại Việt Nam, các quốc gia hàng xóm khác như Malaysia, Philippines, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia cũng sử dụng trái chúc trong ẩm thực và đời sống hàng ngày.

Cây chúc phổ biến ở nhiều nơi, riêng ở Việt Nam chúng nổi tiếng như đặc sản của vùng An Giang.

Đặc điểm của cây chúc

  • Là cây thân gỗ có chiều cao trung bình từ 2 – 3m. Nếu được trồng lâu năm và trong điều kiện phát triển thuận lợi có thể cao đến 6 – 10m. Lớp vỏ ngoài của trái có màu xanh bóng khi còn non và sẫm màu dần khi cây lớn lên. Cần cẩn thận khi tiếp xúc với cây do phần thân và nhánh có nhiều gai nhọn mọc ngang.

Cận cảnh quả chanh Thái.

  • Lá chúc hình trái xoan, mọc đối xứng, tỏa ra mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Phần cuống lá xòe rộng giống như số 8 nên chúng còn hay được gọi là “lá chanh số 8”. Mặt trên xanh đậm, mặt dưới có màu nhạt hơn.
  • Hoa màu trắng ngà, viền tím mọc thành chùm ở các nách lá. Hoa không lớn lắm, các cánh xòe ra tựa hình ngôi sao.

Hoa của cây chúc.

  • Trái chúc hình cầu, thuộc loại quả mọng, vỏ sần sùi. Khi chín, trái sẽ có màu vàng, thịt có vị chua, ít nước.

Lớp vỏ sần sùi kỳ lạ của trái.

Thành phần hóa học

Mùi thơm của cây chúc đến từ hợp chất citronellal. Hợp chất này chiếm 80% lượng tinh dầu trong lá. Ngoài ra, còn những thành phần khác như citronellol (10%), nerol và limonene cũng được tìm thấy trong lá chúc. Cũng như chanh dây Israel, ngoài vitamin C rất cao, chúng còn giàu các vitamin và khoáng chất khác.

Các bộ phận của cây đều chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe và làn da.

Ứng dụng của cây chúc và trái chúc trong ẩm thực và mỹ phẩm

  • Không chỉ có tác dụng trong y học mà lá chúc có thể dễ dàng phối hợp với các loại nguyên liệu khác để tạo nên những món ăn vừa ngon miệng vừa đơn giản. Một số món ăn nổi tiếng có thể kể đến gà hấp lá chúc, cơm lá chúc, các loại súp tôm cua có kèm lá chúc sẽ có một hương vị hấp dẫn tuyệt vời.

Các bộ phận của cây chúc được dùng để tạo hương vị cho món ăn thêm hấp dẫn.

  • Phần nước bên trong trái chúc rất chua và the. Có thể ăn trực tiếp hoặc lấy nước cốt để làm các loại sốt, khử tanh hay làm mứt.

Làm sốt từ bột lá chanh Thái.

  • Do cây chúc và cây chanh có nhiều đặc tính tương tự nên có thể dễ dàng thay thế lẫn nhau trong các món ăn hàng ngày. Vị tanh của các món hải sản sẽ bị đánh bật chỉ bằng vài giọt nước chúc. Món cháo bò Tri Tôn nổi tiếng cũng dùng chúc để làm nguyên liệu.

Ngoài trái, thì lá chúc cũng là một gia vị tuyệt vời.

  • Ngoài ra, người ta còn ngâm chúc làm rượu tương tự như những loại trái cây khác.
  • Toàn bộ cây chúc đều chứa tinh dầu nên tất cả các bộ phận của chúng đều có thể được sử dụng. Một số lĩnh vực như ẩm thực, mỹ phẩm hay dược phẩm… đều đã và đang sử dụng tinh dầu từ lá chúc để làm nguyên liệu tạo ra các sản phẩm có giá trị trên thị trường.

Ứng dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Cây chúc và ứng dụng cụ thể đối với sức khỏe

Cây chúc (chanh Thái) cải thiện sức khỏe răng miệng

Tinh dầu được chiết xuất từ vỏ và lá chanh Thái (chúc) có tác dụng diệt khuẩn. Vì vậy, các loại bệnh như hôi miệng và nhiễm trùng nước sẽ được giảm thiểu đáng kể nếu thường xuyên sử dụng loại tinh dầu này. Cách sử dụng khá dễ, có thể tự thực hiện tại nhà. Chỉ cần chà xát vỏ hoặc lá chúc trực tiếp lên nướu sau khi đánh răng liên tục cho tới khi hết bệnh. Cũng có thể trộn tinh dầu chung với kem đánh răng hoặc nước súc miệng để bảo vệ và chăm sóc răng miệng tốt hơn.

Cải thiện sức khỏe răng miệng.

Chanh Thái hỗ trợ giảm viêm 

Những bệnh nhân mắc phải chứng thấp khớp, viêm khớp, gout có thể sử dụng nước ép, tinh dầu hoặc đắp lá trực tiếp lên khu vực bị viêm. Ngoài ra, chứng đau đầu hay đau nửa đầu còn có thể được chữa khỏi thông qua cách trên.

Những công dụng tuyệt vời của cây chúc (chanh Thái).

Cây chúc giúp tăng khả năng hấp thụ sắt

Sắt là một chất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể. Thiếu sắt không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu máu, giảm khả năng lưu chuyển oxy đến các mô trong cơ thể mà còn gây ra nhiều loại bệnh khác.

Trái chúc không những có một hàm lượng sắt khá đáng kể mà còn có cả vitamin C giúp cải thiện và ngăn chặn việc thiếu máu do thiếu sắt.

Một số nghiên cứu còn làm thử nghiệm trên các đối tượng ăn chay và đưa ra kết luận rằng: chỉ cần một ly chúc kèm theo bữa ăn chay cũng có thể tăng khả năng hấp thụ sắt của cơ thể lên tới 70%.

Sử dụng nước của trái sẽ tăng khả năng hấp thu sắt cho cơ thể.

Trái chúc trị bệnh cho động vật

Cây chúc không chỉ có ích đối với con người mà cả động vật cũng có thể sử dụng. Những người nuôi trâu, bò khi gặp tình trạng gia súc bỏ ăn thường dùng trái để rơ lên miệng chúng. Những người làm nghề thủy sản hay nuôi cá trong ao hồ cũng thường sử dụng lá chúc giã nát để khử khuẩn ao, cải thiện môi trường sống của cá.

Rơ miệng cho gia súc bằng trái chúc để chữa chứng bỏ ăn.

Điều trị các vấn đề về tiêu hóa

Cũng như chanh dây hay sơ ri, chúc cũng chứa các thành phần có tác dụng chống viêm, cải thiện hệ tiêu hóa. Sử dụng nước ép chúc thường xuyên có thể tăng hàm lượng các chất có tác dụng nhuận tràng, giảm chứng khó tiêu, hồi phục lại đường ruột bị tổn thương. Nguy cơ mắc phải các bệnh có liên quan đến hệ tiêu hóa như ung thư đại trực tràng hay loét dạ dày cũng được giảm đi đáng kể.

Cây chúc hỗ trợ chữa bệnh về đường tiêu hóa.

Lá chúc làm đẹp tóc

Tinh dầu trong lá của cây chúc rất thơm và có tác dụng tương tự như bưởi hay chanh. Vì thế, chúng thường xuyên được sử dụng để làm dầu gội trị gàu, chống rụng tóc, giúp mái tóc bóng mượt và khỏe mạnh.

Dầu gội với chiết xuất tinh dầu từ lá chúc có tác dụng làm đẹp tóc.

Cây chúc làm thuốc chống côn trùng

Ở các vùng quê hay nông thôn, cây chúc thường được sử dụng để đuổi côn trùng. Citronellol và limonene trong tinh dầu là những hợp chất mà phần lớn côn trùng đều tránh xa. Có thể giảm thiểu bị côn trùng cắn khi đi rừng hay dã ngoại bằng cách bôi một lớp kem dưỡng da hoặc nước chứa tinh dầu lá chúc lên da.

Tinh dầu của quả và lá chúc xua đuổi côn trùng.

Lá chúc giúp giảm sưng đau do mụn

Xông hơi với lá chúc không chỉ có khả năng giải cảm mà còn khiến tinh thần thoải mái, kích thích tiết mồ hôi. Khi hơi nước có mang theo tinh dầu phả lên da mặt, lỗ chân lông sẽ giãn nở, thông thoáng. Mặt khác, các chất chỉ có trong tinh dầu lá chúc cũng thẩm thấu vào làn da. Việc xông giúp da mặt sạch và khỏe hơn, ngăn ngừa mụn mủ, mụn ẩn phát triển.

Cây chúc mang lại rất nhiều lợi ích cho làn da.

Các bài thuốc từ cây chúc

Bài thuốc cho tóc và da đầu

Chuẩn bị một nắm lá chúc hoặc 2 thìa bột lá chúc, hương nhu, vỏ bưởi. Bỏ tất cả dược liệu trên nấu chung với một lít nước. Gội đầu trước với nước sạch để loại bỏ dầu nhờn, rồi sử dụng nước đã được đun để gội đầu. Nên gội khi nước còn ấm. Gội 2 – 3 lần một tuần cho đến khi hết các triệu chứng gàu, ngứa, rụng tóc.

Bột lá chúc kết hợp với các thảo dược khác hỗ trợ giảm rụng tóc và trị gàu.

Sử dụng lá chúc chữa ho khan

Chuẩn bị lá chúc tươi thái nghuyễn, một vài lát gừng, mật ong. Chưng cách thủy hỗn hợp trên trong 10 phút. Pha cùng nước ấm uống hết mỗi ngày để cải thiện tình trạng ho.

Nhiều gia đình ngâm trái chúc hoặc vỏ chúc với mật ong trong bình thủy tinh để trẻ con ngậm. Bài thuốc hàng ngày này hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Lá của cây chúc có tác dụng giải cảm, chữa ho.

Chữa nhức đầu, giải cảm, ra mồ hôi

Chuẩn bị 10gr lá chúc tươi hoăc bột lá chúc. Sắc lấy nước uống trong ngày cho đến khi hết cảm.

Các cách xông lá chúc

Giải cảm, ngăn ngừa cảm cúm 

Chuẩn bị lá chúc, lá bưởi, chanh, sả, tỏi. Đun tất cả các dược liệu lên và xông để giải cảm, giảm stress.

Xông hơi để giải cảm.

Giảm sưng đau do mụn

Chuẩn bị 2 thìa bột lá chúc, 1 thìa bột lá tía tô, 1 thìa bột ổi, 1 thìa lá sả. Đun tất cả nguyên liệu trên với 500ml nước. Khi nước sôi, dùng khăn trùm kín đầu và xông để giúp loại bỏ độc tố và bã nhờn trên da.

Lưu ý khi sử dụng cây chúc (chanh Thái)

Furanocoumarin là một hợp chất có hàm lượng lớn trong vỏ và cùi của trái chúc. Đây cũng là một trong những tác nhân có thể gây viêm da nếu không được sử dụng trực tiếp với lượng lớn.

Việc lạm dụng chúc trong thời gian dài có thể gây mòn men răng, ợ nóng, buồn nôn và các vấn đề tiêu hóa khác. Vì vậy, nếu đang có vấn đề liên quan tới dạ dày, nên lưu ý khi sử dụng. Nếu thường xuyên uống nước từ cây chúc, nên dùng ống hút thay vì uống trực tiếp.

Lưu ý khi sử dụng.

Cách trồng và chăm sóc cây chúc (chanh Thái)

  • Đối với chúc thì cách trồng và chăm sóc cũng không khác biệt quá nhiều so với những loại cây ăn trái khác.
  • Khi chọn giống, nên lựa chọn cây mẹ khỏe, ít sâu bệnh.
  • Có hai loại hình nhân giống chính là gieo hạt và chiết cành.
  • Cây trồng từ hạt sẽ cho ra lứa đầu tiên trong khoảng 3 – 4 năm.

Nhân giống cây chúc

Đất trồng

Cây chúc không quá kén đất trồng. Tuy vậy, nên ưu tiên sử dụng đất mùn, đất thịt pha cát hay đất trồng hữu cơ. Các loại đất này kích thích sự phát triển của bộ rễ và giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.

Do đây là một loại cây ăn quả có kích thước khá lớn nên việc chọn chậu trồng không hợp lý và có độ thoát nước kém sẽ ảnh hưởng nhiều đến độ lớn và chất lượng trái.

Đất giàu dinh dưỡng sẽ giúp cây phát triển tốt nhất.

Ánh sáng

Bất kỳ loại cây có sức sinh trưởng mạnh mẽ nào cũng cần thật nhiều ánh sáng. Cây chúc cũng không phải là ngoại lệ. Việc cung cấp đầy đủ lượng ánh sáng mặt trời cần thiết cho cây sẽ ảnh hưởng nhiều đến năng suất lẫn chất lượng trái, đồng thời giúp cho cây sinh trưởng mạnh mẽ hơn. Có thể trồng ở những khu vực ít nắng nhưng cây sẽ phát triển kém và cho ra ít trái.

Đặt cây ở nơi nhiều nắng nhé.

Lượng nước tưới phù hợp

  • Duy trì tưới nước thường xuyên cho cây, đảm bảo cho đất không quá khô.
  • Trong những ngày nắng gắt thì nên bổ sung thêm lượng nước tưới để bù cho lượng nước bị bốc hơi do nhiệt độ môi trường.
  • Khi mới đem chúc non về trồng, cần lưu ý tưới nước 2 – 3 lần mỗi ngày. Khoảng 3 – 4 tháng sau thì chỉ cần tưới đẫm 1 tuần một lần là được.

Điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp với độ lớn của cây.

Cắt tỉa

  • Cắt tỉa cành để loại bỏ những cành già, những cành bị bệnh để cây tập trung chất dinh dưỡng vào một số cành tốt có chọn lọc nhằm tăng tỉ lệ và chất lượng đậu quả.
  • Khi thấy các cành quá sát, dính lại thì nên tỉa bớt. Nhờ đó, chúng không che lấp các cành khác, giảm lượng ánh sáng cây hấp thu.
  • Tỉa hết đợt hoa trong năm đầu tiên để cải thiện chất lượng quả cho những năm kế tiếp.

Tỉa cành và hoa để cây tập trung dinh dưỡng vào các nhánh lớn.

Phân bón

  • Ưu tiên sử dụng các loại phân giàu đạm kết hợp với phân bón hữu cơ để bón cho cây theo chu kỳ 2 tuần 1 lần.
  • Cây chúc rất kỵ phân hóa học nên trừ trường hợp bất khả kháng, không nên sử dụng bất kỳ loại phân hóa học nào để bón cho cây.

Chỉ nên sử dụng phân bón hữu cơ cho cây.

Phòng trừ sâu bệnh

Một số loại sâu bệnh mà cây chúc thường gặp như: sâu vẽ bùa, bọ trĩ, nhện trắng, nhện đỏ, rầy, rệp, bọ nhảy… sẽ thường xuyên tấn công trong những giai đoạn đâm chồi non, ra hoa, quả non và kéo dài đến hết mùa thu hoạch. Cần hết sức lưu ý và tăng cường kiểm tra tình trạng của cây để kịp thời xử lý các loại sâu, bệnh kể trên.

Nếu cây gặp phải hiện tượng vàng lá thì nên kiểm tra lại độ pH của đất.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây chúc.

Thu hoạch và bảo quản

  • Khi muốn lấy lá để sử dụng, nên trực tiếp cắt cả cành thay vì chỉ lấy lá vì cành mới sẽ rất nhanh mọc từ phần bị cắt.
  • Trái chúc cần được rửa sạch trước khi sử dụng và bảo quản. Để cho quả ráo nước và bọc lại trong túi ni – lông đem cất trong ngăn mát tủ lạnh sẽ giúp chúng tươi được lâu hơn.

Thu hoạch trái chúc.

Tổng kết

Cây chúc (chanh Thái) là một loại chanh, đem lại rất nhiều lợi ích cho con người. Cả lá lẫn trái đều có thể dùng làm gia vị trong nhiều món ngon khác nhau. Không chỉ vậy, chúng còn có ích lợi đối với sức khỏe, đặc biệt là khả năng kháng viêm và hàm lượng sắt giúp cải thiện tình trạng thiếu máu. Mặt khác, cũng không cần dành quá nhiều thời gian lẫn công sức để chăm sóc cho chúng. Đây là một sự lựa chọn rất tốt để thay thế chanh trong khu vườn của bạn.

Với nhiều ứng dụng tuyệt vời, cây chúc xứng đáng có mặt trong khu vườn của bạn.

©Copyright by Moc Nhien Farm

Sản phẩm đề xuất

Hết hàng

0₫

Hết hàng

Húng chanh

25,000₫

 Cây chúc (chanh Thái)
 Cây chúc (chanh Thái)
 Cây chúc (chanh Thái)
 Cây chúc (chanh Thái)
 Cây chúc (chanh Thái)
 Cây chúc (chanh Thái)
 Cây chúc (chanh Thái)
 Cây chúc (chanh Thái)
 Cây chúc (chanh Thái)