Cây ngọc long châu
Ưa nắng nhiềuMô tả
Cây ngọc long châu là một loại cây thú vị cho hoa màu tím nhạt và trái tím đậm liên tục cả năm. Trái như những chuỗi ngọc, bền trên cây hơn 1 tháng rất đẹp. Cây rất dễ trồng, mau lớn. Cây tỏa nhiều nhánh ngả sang bên hơi trĩu nhẹ vì mang nhiều chuỗi ngọc trên mình. Cây có nhiều ưu điểm về vẻ đẹp, khả năng phát triển tốt, không đòi hỏi cầu kỳ về cách chăm sóc.
- Tên khoa học: Callicarpa Formosana Rolfe
- Tên tiếng Anh: Beautyberry
- Tên thường gọi: tử châu Đài Loan
Đặc điểm của cây ngọc long châu
Cây thân gỗ, bụi cao. Chúng phân ra nhiều nhánh kéo dài và khi ra hoa có xu hướng hơi ngả cành xuống. Hình dáng ngả cành làm cho những chùm hoa và trái trên cây lủng lẳng. Nhờ đó, trông càng thêm xinh đẹp. Chiều cao cây khi hạ thổ có thể hơn 1m.
Lá hình trái xoan, có kích thước vừa phải, khoảng 2/3 bàn tay người lớn. Lá có lông, màu xanh hơi ngả vàng nâu. Viền lá có răng cưa.
Cây ngọc long châu hay được chọn để làm cảnh vì vừa chơi được hoa vừa chơi được trái. Hoa và trái kéo dài liên tục nhiều tháng. Hoa cho mùi hương bảng lảng nhẹ nhàng. Những chùm nụ ban đầu màu trắng nở bung ra thành nhiều cụm hoa màu tím nhạt dịu dàng. Nhị hoa màu vàng lộ ra bên ngoài nên trông hoa có màu tím kết hợp màu vàng rất sinh động.
Quả ngọc long châu màu tím oải hương. Quả kết lại với nhau trông như những chùm ngọc. Quả màu xanh và chuyển dần sang màu tím đậm. Quả mọng và có đường kính khoảng 4mm. Sự chuyển biến màu sắc của cả hoa và trái đem đến cho người chơi sự hồi hộp thú vị không ngừng. Chuỗi ngọc long châu màu tím lủng lẳng kéo dài hơn 1 tháng. Vì vậy, có khi cây được đặt ở vị trí trưng bày trong vườn hoặc công trình. Nhìn chúng không khỏi liên tưởng tới cây chuỗi ngọc.
Nguồn gốc của cây ngọc long châu
Cây có nguồn gốc từ Đài Loan, Nhật Bản, Philippines và Trung Quốc. Cái tên Callicarpa có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp "kalli – đẹp" và "karpos – trái cây". Cái tên cũng thật phù hợp với đặc điểm nổi bật của cây – cho hoa và trái suốt năm.
Công dụng của cây ngọc long châu
Ngọc long châu để trang trí
Ngọc long châu chủ yếu được trồng để trang trí. Chúng đẹp mắt về hình dáng, nổi bật về màu sắc. Khi ra những chùm quả trĩu xuống, chúng như mang theo ý nghĩa về sự viên mãn tròn đầy. Cũng vì vậy, cây còn được đem làm quà tặng cho các dịp khai trương, lễ tết.
Chúng còn được tạo dáng bonsai theo ý thích. Một trong những ưu điểm của cây bonsai này là quả lủng lẳng khắp cây với màu sắc hiếm có.
Chúng cũng được trồng như cây công trình hoặc đặt ở sảnh các văn phòng công ty, xí nghiệp. Hoa và trái sum suê là dấu hiệu phát tài phát lộc cho công việc.
Ứng dụng trong y học
Ngọc long châu còn là một thảo dược quý chữa được nhiều bệnh. Ở Philippines, lá được dùng tại chỗ để làm giảm khó thở. Chúng được cuộn thành điếu thuốc và được coi là có tác dụng an thần đối với bệnh hen suyễn. Lá tươi giã nát còn dùng để gây mê cá, tôm, lươn. Ở Đài Loan, nụ hoa và lá giã nát được dùng làm thuốc cầm máu vết thương. Rễ được dùng làm thuốc chữa bệnh lậu và chữa bệnh viêm gan.
Tuy nhiên, những ứng dụng này không phổ biến tại Việt Nam. Vì thế, nếu định sử dụng làm thuốc, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Cách trồng và chăm sóc cây ngọc long châu
Nhân giống cây ngọc long châu
Sử dụng phương pháp giâm cành để có tỷ lệ thành công cao nhất. Đồng thời, cách này sẽ giữ lại toàn bộ các đặc tính tốt nhất của cây mẹ. Cách thực hiện như sau:
- Chọn cành cứng cáp, không sâu bệnh. Cắt 1 đoạn khoảng 15 – 20cm. Sử dụng kéo sắc và sạch để cắt cành. Có thể ngâm vào dung dịch kích rễ nếu muốn cành giâm nhanh ra rễ.
- Trước khi cắt cành giâm, chuẩn bị giá thể nhẹ, sạch, thoáng, giữ ẩm và thoát nước tốt. Giá thể giâm cành không cần nhiều phân bón. Nếu sử dụng phân bón, ưu tiên sử dụng phân chuồng hoai mục hoặc các loại phân không gây nóng rễ.
- Cắm cành giâm cố định và đặt chậu ở nơi mát mẻ, tránh gió mạnh. Trong thời gian chờ cành nảy mầm và ra rễ, luôn giữ ẩm cho giá thể và cành giâm.
- Sau khoảng 3 tuần, cành bắt đầu xuất hiện những mầm lá mới. Lúc này, rễ chưa nhiều. Vì thế, không nên chuyển chậu ngay. Sau 2 tháng, cành đã có nhiều lá mới, có thể kiểm tra bầu rễ và chuyển sang chậu riêng.
- Đưa cây con ra thích nghi với ánh nắng dần dần. Tuyệt đối không đột ngột đưa cây con ra ánh nắng ngay khi mới chuyển chậu vì sẽ làm cho cây bị sốc và có thể chết cây.
Chăm sóc cây ngọc long châu
- Cây thích hợp với khu vực có nhiều ánh nắng trực tiếp. Khi được nhận đủ nắng, cây phát triển tốt nhất. Chúng sẽ cho nhiều hoa và quả. Nếu đặt cây ở khu vực bán râm thì chúng vẫn phát triển tốt tuy sẽ cho ít hoa hơn.
- Cây ưa nước. Có thể căn mặt chậu khô để bổ sung nước kịp thời.
- Ngọc long châu không kén chọn đất trồng. Tuy vậy, trong điều kiện tốt nhất cây sẽ phát triển tối ưu. Giá thể tốt nhất cho các loại cây sẽ cần đủ dinh dưỡng, tơi thoáng và thoát nước tốt.
- Chúng cũng không có yêu cầu đặc biệt về phân bón. Nên bón định kỳ cho cây bằng các loại phân với chế độ npk cân bằng. Vì cây thường rất sai hoa nên lưu ý bón phân trước và sau mỗi mùa hoa.
- Cây cần được cắt tỉa các cành già, lá héo và sâu bệnh. Ngoài ra, người trồng thường cắt tỉa để tạo dáng cho cây. Riêng việc tạo dáng bonsai sẽ có những đòi hỏi khắt khe hơn và cần phải cắt tỉa từ khi cây còn nhỏ.
Tổng kết
Hoa màu tím luôn mang đến nét đẹp dịu dàng và sang trọng. Khi cây có cả hoa và quả cùng màu tím thì nét dịu dàng ấy lại điểm thêm chút mạnh mẽ cứng cỏi. Chính nét đặc biệt này làm cho cây ngọc long châu thêm thu hút. Khi được tạo dáng bonsai, chúng càng mang thêm nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
©Copyright by Moc Nhien Farm








