Giao hàng toàn quốc, được kiểm tra trước khi thanh toán. Đảm bảo cây sống và không gãy. Hướng dẫn chăm và tên cây được gửi cùng đơn hàng. Liên hệ: 0922 90 90 22

Hoa ngọc thảo đỏ kép M1

Ưa nắng vừa
30,000₫ /cây 10cm (hình 2)
- +

Có sẵn: 1

Mô tả

Hoa ngọc thảo đơn đã đẹp, cánh kép lại đẹp hơn muôn phần. Có người thoạt nhìn còn nhầm lẫn với hoa hồng vì các cánh xoáy cuộn vào nhau. Hoa màu đỏ hơi loang, trông vừa rực rỡ vừa dịu dàng. Chúng cũng dễ trồng và siêng hoa như loại cánh đơn. Hoa cánh kép khi nở phủ lên cây màu đỏ nồng nàn. Giống hoa này có nhiều màu: trắng, hồng, cam, trong số đó hoa ngọc thảo trắng cũng rất được yêu thích.

  • Tên khoa học: Impatiens Walleriana
  • Tên tiếng Anh: Busy lizzie, Balsam, Sultana, Impatiens
  • Tên gọi khác: hoa chân nến, hoa mai địa thảo

 

Đặc điểm của loài hoa ngọc thảo

Hoa ngọc thảo thuộc loại cây thân thảo, cao khoảng tới 70cm thì ngưng. Chúng phân nhiều nhánh tạo thành bụi rộng, thân cây mềm và mọng nước. Trong tự nhiên, chúng mọc ở rừng ven biển, ven sông, bụi rậm, ven đường thủy, nơi ẩm thấp, râm mát, cũng được trồng trong vườn và nhà kính. Ở một số nơi, chúng được coi là cỏ dại ven đường.

Cây hoa ngọc thảo

  • Lá rộng khoảng 4cm, dài tầm tới 12cm, nhọn ở phía đầu. Lá có màu xanh rất đậm, viền lá răng cưa lớn. Lá nổi gân rõ, phiến lá dày vừa, hơi giòn, không có lông.
  • Hoa chủ yếu mọc thành từng cặp hoặc thành ba chiếc ở phần tiếp giáp thân và lá, tại phần ngọn của cây. Những bông hoa có nhiều màu sắc khác nhau (như hồng, đỏ, cam, trắng, tím, v.v.), nhưng màu hồng và đỏ là phổ biến nhất. Chúng thường được sắp xếp thành các cụm nhỏ gồm hai hoặc ba bông. Hoa có năm cánh hoa sặc sỡ và ba lá đài.
  • Có hai loại: cánh đơn và cánh kép. Loại cánh đơn có 5 cánh hoa. Còn loại cánh kép thì các cánh xếp chồng lên nhau nhìn hơi giống dáng hoa hồng.

Các loại cánh đơn

Các loại cánh kép

  • Quả là một quả nang nhẵn màu xanh lục và có nhiều thịt khi còn non. Những quả này phồng lên ở giữa và bề mặt có nhiều gân. Quả chín sẽ nổ dù chỉ hơi nhẹ và đẩy ra những hạt nhỏ màu nâu.

Nguồn gốc và đặc điểm của cây ngọc thảo đỏ kép

Cây có nguồn gốc từ miền đông châu Phi từ Kenya đến Mozambique. Tên khoa học bắt nguồn từ tiếng Latinh, được đặt để tôn vinh một nhà truyền giáo người Anh, Horace Waller (1833 – 1896). Cùng thời với nhà thám hiểm thời Victoria – David Livingstone, Waller là một nhà truyền giáo người Anh. Ông đã dành nhiều thời gian ở Châu Phi và được biết đến là một nhà hoạt động chống chế độ nô lệ trong thời đại đó. Chữ Impatiens bắt nguồn từ sự thiếu kiên nhẫn (im-patient) của thực vật trong việc phát tán hạt giống của nó. Một cái chạm nhẹ nhất sẽ làm cho một vỏ hạt nóng nảy mở ra và khiến hạt của nó bay khắp nơi! Cũng chính sự “thiếu kiên nhẫn” này lại là lợi thế để gieo hạt và sinh sôi rất nhanh.

Hoa ngọc thảo màu đỏ, cánh kép tại vườn Mộc Nhiên Farm.

Hoa ngọc thảo đỏ kép có màu sắc khá độc đáo. Trên cùng một hoa có hai màu trắng và đỏ. Cũng có những hoa ban đầu màu đỏ nhưng sẽ chuyển dần sang màu hồng nhạt. Vì vậy, trên cây thường có hai màu trông rất thú vị.

Công dụng của hoa ngọc thảo trong đời sống

Hoa ngọc thảo đặc biệt được ưa chuộng dùng làm trang trí. Chúng phù hợp với nhiều vị trí và mục đích trang trí khác nhau.

  • Cây có thể được trồng bằng cách treo ở hiên nhà, cũng rất đẹp nếu đặt chậu ở trên cao trước sân. Không chỉ trang trí ở vườn nhà, chúng còn phù hợp trồng viền các bồn hoa ở sân hoặc nơi công cộng. Các dịp lễ hội, người ta cũng chọn loài hoa này để trang trí vì chúng tạo không gian rực rỡ đẹp mắt.

Những chậu hoa trang trí bên cửa sổ làm người đi đường không thể không ngước nhìn.

  • Một số người còn ngắt cánh hoa thả vào chén thủy tinh để trang trí các buổi tiệc ấm cúng, hoặc đặt trên bàn ngắm nhìn cho thư giãn.

Sử dụng cánh hoa để trang trí bàn.

Theo dân gian ở các nước khác, lá và rễ phơi khô, giã nát pha với nước, nước cốt uống làm thuốc an thai. Ở Bắc Mỹ, chúng đã được sử dụng như một phương thuốc thảo dược để điều trị vết ong đốt, côn trùng cắn và phát ban do cây tầm ma gây ra. Chúng cũng được sử dụng sau khi cây thường xuân độc (Toxicodendron radicans) tiếp xúc để ngăn phát ban xuất hiện trên da.

Cách trồng và chăm sóc cây ngọc thảo

Hiện nay có rất nhiều loại hoa ngọc thảo với màu sắc đa dạng. Đặc tính chung của chúng đều như nhau. Chúng khá dễ trồng, mau có hoa và ra hoa quanh năm. Mỗi đợt hoa thường rất nhiều nên trông vô cùng rực rỡ.

Những sắc màu khác nhau của hoa ngọc thảo.

Nhân giống hoa ngọc thảo

Nhân giống bằng cách giâm cành

  • Chọn những cành khỏe, khoảng 10cm. Tỉa bớt lá phía gốc.
  • Giá thể để giâm cành tốt nhất nên dùng đất cát hoặc cát, có thể trộn mùn dừa và phân trùn.
  • Giữ độ ẩm cho giá thể trong suốt quá trình giâm. Mỗi ngày phun sương lên cành và giá thể, đặt chậu ở chỗ mát. Sau khoảng 20 ngày, cành giâm bắt đầu ra rễ.

Nhân giống hoa ngọc thảo: giâm cành (ảnh bên trái) và gieo hạt (ảnh bên phải).

Nhân giống bằng cách gieo hạt

  • Cần chuẩn bị giá thể tơi xốt, thoát nước tốt. Sau đó, đổ giá thể vào khay gieo hạt, để chừa lại khoảng trống cách mặt chậu khoảng 3 – 5cm.
  • Chọn hạt giống già vừa đủ, không sâu bệnh để có khả năng nảy mầm tốt nhất.
  • Gieo hạt lên khay giá thể đã chuẩn bị. Đừng gieo quá dày vì chúng sẽ mọc chen chúc không đủ chỗ. Nếu chia thành từng khay nhỏ, mỗi khay gieo khoảng 3 hạt.
  • Sau đó phủ 1 lớp đất mỏng lên mặt rồi tưới ẩm. Giữ giá thể ẩm cho tới khi hạt nảy mầm. Nếu chúng nảy mầm nhiều, có thể nhổ bớt và giữ lại những cây con khỏe nhất.
  • Khi lá bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và thân cây cứng cáp hơn, đem chúng ra chậu mới.

Những cây con đã phát triển ổn định.

Cách chăm sóc hoa ngọc thảo

Ánh sáng

  • Hoa ngọc thảo ưa lượng nắng vừa phải. Chúng phát triển ổn định ở dưới các tán cây cao, có ánh sáng bán râm. Không nên đặt cây ở nơi trực tiếp hứng ánh sáng mặt trời gay gắt trong thời gian dài. Nếu khu vườn của bạn nhiều nắng, hãy dành một góc riêng che lưới mát cho cây ngọc thảo.
  • Chúng cũng có thể được đặt trong nhà, nơi gần cửa sổ, có ánh sáng gián tiếp chiếu vào. Nếu không, thỉnh thoảng bạn cần đưa cây ra ngoài nắng để chúng quang hợp.

Cây ưa sáng nhưng không chịu được ánh nắng quá gay gắt.

  • Nắng nóng quá sẽ làm cho cây bị héo rũ, lá không phát triển lớn được, dần dần cây sẽ chết. Chúng cũng không chịu được thời tiết quá lạnh.

Lượng nước tưới

  • Hoa ngọc thảo cần có lượng nước vừa đủ. Chúng không ưa ngập úng vì nếu dư nước, cây bị thối rễ. Cách tốt nhất là tưới nước thường xuyên với một lượng ít cho mỗi lần tưới. Tránh tưới đẫm nếu không đảm bảo được độ thoát nước của cây. Không nên tưới mạnh vào cánh hoa vì chúng khá mong manh dễ dập nát dưới áp lực nước. Nếu có bình xịt điều chỉnh tia nước, nên chọn chế độ phun nhẹ và tưới xung quanh mặt chậu.

Một số lưu ý về lượng nước tưới khi trồng cây trong nhà.

  • Nếu trồng trong nhà, tránh để nước đọng trong khay lót dưới chậu. Độ ẩm tăng thêm có thể hình thành tình trạng thối rữa. Ngoài ra, tránh tưới nhiều nước trong những tháng mùa đông khi cây đang phát triển kém.
  • Khi trồng cây trong giỏ treo, nên kiểm tra lượng nước thường xuyên. Hầu hết các giỏ treo khô nhanh hơn nhiều so với các điều kiện trồng khác. 

Tóm lại, độ ẩm thường xuyên là chìa khóa tuyệt đối để cây khỏe mạnh.

Cây trồng trong giỏ treo thường nhanh khô hơn, cần kiểm tra để bổ sung nước kịp thời.

Phân bón

Hoa ngọc thảo phát triển tốt nhất nếu được bón phân hữu cơ định kỳ. Ngoài ra cần thường xuyên cắt tỉa các lá vàng úa, cắt hoa sau khi tàn để cây thông thoáng và ra nhánh mới liên tục. Nếu giá thể ban đầu đã có bón lót, không cần phải bón định kỳ hàng tuần hay hàng tháng. Có thể bón vài tháng 1 lần hoặc đợi đến khi rễ ăn hết bầu chậu thì thay giá thể mới.

Bón phân đúng liều lượng sẽ giúp cây luôn nở hoa rực rỡ và tràn đầy sức sống.

Phòng ngừa sâu bệnh và các bệnh thường gặp

  • Sẽ hơi khó khăn khi hoa ngọc thảo gặp bệnh sương mai, tuy trường hợp này cũng khá hiếm. Nó tạo ra mặt dưới của lá có màu trắng, phủ đầy bào tử và sự phát triển của cây có thể bị còi cọc. Cuối cùng lá sẽ vàng và rụng khỏi cây. Có thể điều trị bệnh này bằng một số loại thuốc diệt nấm hoặc bằng cách cắt bỏ những lá bị hư hỏng. Bệnh sương mai có thể sống trong đất khá lâu, vì thế cần chuẩn bị một giá thể mới hoàn toàn khi trồng cây.

Bệnh sương mai trên lá của cây hoa ngọc thảo.

  • Cây ngọc thảo có thân mềm, vì thế chúng dễ bị úng hoặc thối thân vào mùa mưa. Nếu thấy trên thân có những đốm đen rải rác thì có thể chúng đã không còn cứu được nữa rồi. Vì thế nếu đặt cây ở ngoài trời, mùa mưa nên che để cây không bị ngập nước. Cũng cần đặt chúng ở vị trí thoáng gió để ngăn ngừa sâu bệnh.

Cây và lá bị đốm đen là dấu hiệu bị bệnh.

  • Một vấn đề nữa là thối rữa do nấm. Cả nấm fusarium và nấm pythium đều có thể gây thối rữa và làm hỏng cây. Để ngăn chặn những điều này, đừng tưới quá nhiều.
  • Hiện tượng rụng lá mùa đông là một phản ứng bình thường. Vào thời điểm này, nên cắt tỉa, đặt cây ở trong nhà. Qua mùa đông chúng sẽ ra lá và trổ hoa.

Khi cây bị bệnh.

Một số lưu ý cần thiết khi trồng hoa ngọc thảo

Độ ẩm

Đất cần luôn ẩm nhưng không bị sũng nước hoặc khô. Nếu không đảm bảo điều kiện này, có thể gây ra hiện tượng héo rũ, rụng lá, rụng hoa. Cách khắc phục tốt nhất là đảm bảo tưới nước khi đất khô mặt chậu.

Nếu cây không ra hoa, rất có thể nó không được bón đủ lượng phốt pho. Thêm một loại phân bón giàu phốt pho trong mùa hoa nở có thể khắc phục vấn đề đó. Đối với cây trồng ngoài trời, sử dụng phân bón cân đối dạng hạt tan chậm. Cách này sẽ cung cấp đủ thức ăn cho cây phát triển.

Cây hoa ngọc thảo bị stress nhiệt.

Héo cũng có thể là dấu hiệu của stress nhiệt, cũng như lá bị cháy nắng. Nếu nhận quá nhiều ánh nắng mặt trời, có thể gặp phải vấn đề này. Vì vậy, nên đặt cây ở trong bóng râm một phần đến toàn bộ, chủ yếu chúng cần nhận được ánh sáng gián tiếp.

Trồng hoa ngọc thảo kép vào mùa nào là thích hợp?

Đối với loài cây không ưa nắng gắt, nên chọn những thời điểm mát mẻ trong năm để trồng. Đối với các khu vực khí hậu quanh năm mát mẻ, có thể nhân giống hoặc trồng quanh năm. Đối với những nơi có mùa hè gay gắt, nên tránh những lúc này. [Tham khảo thêm các loại hoa khác]

Thời điểm trồng thích hợp sẽ cho những cây ngọc thảo khỏe mạnh.

Cách chọn chậu trồng hoa ngọc thảo kép

  • Nếu trang trí không gian bằng các chậu treo, nên chọn chậu vừa phải, kích cỡ không quá lớn. Khi cây phát triển xòe ra bên ngoài chậu sẽ khoe những bông hoa rực rỡ đẹp mắt.
  • Nếu đặt ở gốc cây hoặc trên bệ cửa sổ, có thể chọn các chậu có hình dạng xinh xắn theo ý thích. Chậu gỗ hoặc chậu đất nung cũng là một lựa chọn mới lạ và đem lại một không gian lạ mắt.
  • Lưu ý lỗ thoát nước cho chậu để cây không bị ngập úng.

Chậu hoa xinh xắn làm bằng mây, chậu gỗ hoặc chậu đất nung... sẽ tôn lên vẻ đẹp của loài hoa này.

Chậu hoa xinh xắn làm bằng mây, chậu gỗ hoặc chậu đất nung... sẽ tôn lên vẻ đẹp của loài hoa này.

Ý nghĩa của hoa ngọc thảo

Tùy theo màu sắc mà cây hoa ngọc thảo có ý nghĩa khác nhau. Nhưng nhìn chung, chúng là dấu hiệu của những điều tốt lành và may mắn. Đó cũng là lý do người ta mua hoa ngọc thảo rất nhiều vào dịp Tết để trưng bày và để làm quà tặng. Đối với nơi công cộng, hoa ngọc thảo là ưu tiên được chọn lựa để trang trí dịp lễ hội. Những bồn hoa hoặc các khu vực nổi bật nhất thường là nhờ sự khoe sắc rộn ràng của loài hoa này.

Trang trí lễ hội với hoa ngọc thảo nhiều màu sắc.

Tổng kết

Khi nghĩ đến một loài hoa nở quanh năm để trang trí cho vườn thêm sinh động, người ta sẽ nghĩ ngay tới hoa ngọc thảo với nhiều sắc màu xinh đẹp. Trong đó ngọc thảo đỏ kép luôn là một trong những lựa chọn đầu tiên. Với sắc đỏ tươi tắn và dáng hoa cánh kép duyên dáng, mỗi chậu hoa nở bung đem đến nét rộn rã sáng tươi cho khu vườn. Loài hoa này tuy dễ trồng nhưng vẫn cần những lưu ý nhất định về độ ẩm và ánh sáng. Để có những chậu hoa xinh đẹp quanh năm, các bạn nhớ làm theo hướng dẫn của Mộc Nhiên Farm nhé.

©Copyright by Moc Nhien Farm

Sản phẩm đề xuất

Hết hàng

Hoa thanh tú

25,000₫

Hết hàng
Hết hàng
 Hoa ngọc thảo đỏ kép M1
 Hoa ngọc thảo đỏ kép M1
 Hoa ngọc thảo đỏ kép M1
 Hoa ngọc thảo đỏ kép M1
 Hoa ngọc thảo đỏ kép M1
 Hoa ngọc thảo đỏ kép M1
 Hoa ngọc thảo đỏ kép M1
 Hoa ngọc thảo đỏ kép M1
 Hoa ngọc thảo đỏ kép M1