Mộc thông
Ưa nắng nhiềuMô tả
Mộc thông là một loài hoa trắng lạ mắt, xinh đẹp. Chúng thường được trồng để trang trí cho không gian thêm xinh xắn. Vì là cây dây leo với nhiều nhánh mảnh mai tỏa ra xung quanh, khi nở hoa, những dây hoa uốn lượn duyên dáng. Loài thực vật này rất hay bị nhầm lẫn vì tên tiếng Việt giống nhau mà thực tế lại là các loại khác nhau. Trong bài viết dưới đây, Mộc Nhiên sẽ chọn lọc những loại dễ nhầm với những nét khác biệt rõ để dễ phân biệt nhất.
- Tên khoa học: Clematis Smilacifolia Wall
- Tên tiếng Anh: Tropical clematis
Nguồn gốc của cây mộc thông
Đây là loài cây phù hợp khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, vì thế chúng hay xuất hiện tại các nước châu Á. Ở Việt Nam, cây thường mọc ở rừng, ven suối. Hiện nay, chúng được đưa về các khu vườn nhà để trồng.
Đặc điểm của cây mộc thông
Cây mộc thông có phần thân nhìn hơi phức tạp, vì chúng trườn khắp nơi và có hoa ở mọi chỗ. Lá hình trái tim, hơi dài và thuôn nhọn ở đầu. Lá trơn, nhẵn, có cuống dài, cuống vặn xoắn nên trông toàn bộ cây hơi rối mắt. Tuy vậy, khi nở hoa thì hình dáng lạ lẫm này lại tạo nên nét duyên dáng đặc biệt.
Nét thu hút của hoa mộc thông là sắc trắng và hình dáng khá lạ. Hoa được mọc ra từ những chiếc cuống khá dài, có xu hướng uốn lượn lên phía trên. Hoa được đỡ bằng chiếc đài hoa màu đen khá lớn. Đài hoa cong ngược xuống, đỡ lấy đóa hoa như tòa sen. Đóa hoa bung ra những cánh hoa mảnh mai và mềm mại. Mỗi cành thường chìa ra 3 nhánh, mỗi nhánh ra 1 đóa hoa trắng. Cánh hoa được cấu tạo từ rất nhiều nhụy dài, mảnh, mềm, màu trắng.
Cây có quả. Quả có lông, màu trắng.
Ứng dụng của cây mộc thông (Clematis Smilacifolia Wall) trong y học cổ truyền
Mộc thông cũng là một loại dược liệu nổi tiếng với tác dụng chữa đau tê, phù thũng, đau nhức, đau răng. Phần bộ phận được sử dụng chủ yếu là thân và rễ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng phổ biến với ứng dụng trang trí hơn là chữa bệnh.
Những loại cây khác cũng được gọi là mộc thông
Cây mộc thông cực kỳ dễ bị nhầm lẫn vì có rất nhiều loại trùng tên. Để phân biệt, chúng ta nên căn cứ vào tên khoa học. Trước đây, vốn dĩ cái tên mộc thông được dùng cho vị thuốc của Trung Quốc và chúng cũng có nhiều loại khác nhau.
Ở Việt Nam cũng tương tự, có nhiều loại cùng tên gọi tiếng Việt là mộc thông. Mộc Nhiên điểm qua một số loại phổ biến như sau:
Tiểu mộc thông Clematis armandii Franch, thuộc họ Mao lương (Ranunculaceae): cây thân gỗ có thể cao tới 6m, là cây dây leo. Loại này có hoa màu trắng nhỏ, lá dài và có màu xanh đậm. Đây cũng là một loại thảo dược.
Bạch mộc thông Akebia trifoliata (Thunb.) Keidz var australis (Diels) Rehd, thuộc họ Lardizabalaceae:
- Loại này là cây dây leo. Vì thế, chúng rất dài, có khả năng bám và quấn vào các cây khác, hoặc các cột trụ. Thân cây mảnh, phân nhiều nhánh cũng mảnh.
- Lá hình oval, có răng cưa. Lá rộng khoảng 8cm, dài khoảng 5 – 6cm.
- Hoa của loại này rất nhỏ, màu tím nhạt. Cây có quả hình trụ, tròn. Bên trong có nhiều hạt.
- Chúng cũng là một loại dược liệu và rất dễ phân biệt với cây mộc thông trong bài này.
Các loại này kể trên đều là vị thuốc của Trung Quốc, dùng để lợi tiểu, chữa các trường hợp tắc kinh, khó tiểu tiện…
Cách trồng và chăm sóc cây mộc thông
Nhân giống cây mộc thông
Cây có thể được nhân giống bằng cách giâm cành, với các điều kiện như sau:
- Cành giâm nên được cắt từ cây mẹ khỏe mạnh, không sâu bệnh, không quá già và không quá non. Mỗi đoạn cành giâm dài khoảng 20cm và được tỉa bớt lá. Vết cắt nên vát chéo bằng dao sắc.
- Chuẩn bị giá thể thoáng, đủ ẩm và thoát nước tốt. Giá thể có thể có một ít phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục. Lưu ý không sử dụng nhiều phân trong giá thể vì có thể làm cây bị sốc.
- Sau khi cắm cành giâm vào giá thể trên, cần đặt chúng ở nơi không có ánh sáng và kín gió. Luôn phun sương mỗi ngày để giữ cho giá thể và cành giâm luôn ẩm. Cần chú ý không tưới quá đẫm, sẽ làm cành giâm bị thối và không lên mầm được.
- Khoảng sau 2 – 3 tuần, cành giâm bắt đầu nảy lá mới. Lúc này, cành bắt đầu ra rễ. Nên đợi thêm 4 – 6 tuần cho đến khi trên cành giâm đã có rất nhiều mầm non khỏe mạnh. Khi ấy, có thể kiểm tra bầu rễ. Nếu đã nhiều rễ ăn sâu vào bầu đất thì có thể chuyển cây sang chậu khác và trồng như một cây con.
- Đưa cây con thích nghi dần với ánh sáng.
Cây mộc thông – các yếu tố chăm sóc cần thiết
Ánh sáng và nhiệt độ
Cây mộc thông đặc biệt cần nhiều nắng. Chúng phù hợp với nơi có khí hậu ấm áp, có thể nhận nắng toàn phần.
Đất trồng
Cây không kén chọn đất trồng và thuộc loại rất dễ phát triển. Tuy vậy, nếu có điều kiện, vẫn nên ưu tiên giá thể giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Khi giá thể giàu dinh dưỡng, mỗi đợt hoa sẽ nhiều và đẹp hơn hẳn. Để giá thể thoát nước tốt, cần có các thành phần như: trấu hun, than tổ ong đã rửa, xơ dừa đã xả chát, đá perlite hoặc pumice.
Phân bón trộn trong giá thể bắt buộc phải qua xử lý. Nếu chưa qua xử lý, cần tưới trichoderma thật đẫm để chúng nhanh hoai mục.
Yêu cầu về nước
Tuy dễ phát triển nhưng cây không ưa tưới quá nhiều nước. Chỉ nên tưới khi giá thể đã khô. Vào mùa mưa, nên giảm lượng nước để tránh bị úng rễ. Có thể kiểm tra bằng cách dùng cây chọc vào bầu đất. Nếu thấy chúng còn ướt khoảng 2 đốt ngón tay thì chưa cần tưới tiếp.
Phân bón
Cần bổ sung dinh dưỡng trước và sau mỗi đợt hoa để cây tập trung dinh dưỡng và hồi phục sức sống. Ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục. Nên bón phân vào buổi sáng sớm hoặc khi trời mát dịu. Tránh bón sát gốc.
Cắt tỉa
Nên cắt tỉa cây để chúng gọn gàng và ra thêm nhánh. Nhờ đó, mỗi mùa hoa sẽ rộ bông hơn.
Tổng kết
Cây mộc thông khi nở hoa có hình dáng gần như cây hoa quỳnh, với nhiều bông trắng vươn dài và cánh hoa trắng tinh mỏng manh. Khi nhìn trong đêm, những đóa hoa như ánh sáng lấp lánh. Cây còn khá lạ ở Việt Nam nhưng bắt đầu được nhiều người tìm kiếm. Trong thời gian sắp tới, có thể chúng sẽ trở thành một trong những loại cây nổi bật nhất.
©Copyright by Moc Nhien Farm