Hoa mai địa thảo hồng B1
Ưa nắng vừaMô tả
Mai địa thảo là loài hoa xinh xắn rất phổ biến ở Việt Nam, nhất là vào các dịp lễ hội. Chúng hay được sắp xếp ở những nơi tham quan hoặc đường viền khu vui chơi. Có khi người trồng phối màu sắc tạo thành thảm hoa theo hình dáng mong muốn. Với nhiều màu sắc sinh động và khả năng ra hoa đồng loạt, chúng cực kỳ phù hợp để mang đến sự tươi vui cho không gian. Trong bài viết dưới đây, Mộc Nhiên sẽ hướng dẫn một lưu ý quan trọng để cây được bền và ra hoa thường xuyên.
- Tên khoa học: Impatiens Walleriana
- Tên tiếng Anh: Busy lizzy, Garden impatiens, Impatiens, Patience plant, Patient lucy
Mai địa thảo – đặc điểm và nguồn gốc
Cây mai địa thảo có nguồn gốc từ Đông Phi. Đây là cây thân thảo, mọng nước, hoa có nhiều màu sắc. Thân cao tới khoảng 80cm, phân nhiều nhánh. Thân nhẵn, màu xanh hoặc hơi đỏ, 1 phần gốc hóa gỗ. Chúng được phát hiện mọc ở các khu vực rừng ven biển, bụi rậm ven sông, ven đường thủy, nơi ẩm ướt và râm mát.
Lá cây cũng mọng nước, hình thoi, nhọn ở đầu. Viền lá có răng cưa. Gân chính giữa nổi bật. Mặt trên màu xanh lục, mặt dưới có màu xanh sẫm hơn hoặc màu đỏ. Lá trơn nhẵn, không có lông.
Hoa trên 1 cây chỉ có 1 màu nhưng có nhiều màu hoa: tím, hồng nhạt, hồng đậm, cam, đỏ. Cánh hoa là cánh đơn, xòe rộng. Hoa thường nở thành cụm. Mỗi bông hoa có 5 cánh. Hoa thường mọc ở phía đầu cành, xen kẽ với lá. Thoạt nhìn trông như những chiếc lá xòe ra đỡ lấy cụm hoa. Hoa nở quanh năm và thường nở hàng loạt.
Cây có cho quả màu xanh, bên trong có hạt màu nâu.
Công dụng của cây mai địa thảo hồng
Cây mai địa thảo trang trí đẹp tuyệt vời
Tuy có ứng dụng y học và ẩm thực nhưng mai địa thảo phổ biến nhất với ứng dụng trang trí. Tại Việt Nam, chúng gần như gắn liền với các dịp lễ hội, trang trí đường phố, công viên vào những ngày lễ lớn. Việc ra hoa đồng loạt, thường xuyên với các màu sắc rực rỡ là lý do nổi bật khiến chúng được yêu thích. Màu sắc như đem đến không khí sinh động và tươi vui cho mọi người.
Ở vườn nhà, chúng là loài hoa tô điểm cho không gian. Chúng có thể được trồng chậu hoặc giỏ treo, đặt xen kẽ với các loài hoa khác. Có thể trồng ở dọc lối đi để chúng rải hoa hai bên dẫn từ cổng vô thềm nhà. Mùa xuân, dịp Tết, người người tìm loại hoa này để trang trí nhà cửa. Hoa nở gần như phủ kín cây, báo hiệu 1 năm mới ngập tràn may mắn.
Ứng dụng của cây mai địa thảo trong y học
- Ở Bắc Mỹ, mai địa thảo đã được sử dụng làm phương thuốc thảo dược để điều trị vết ong đốt, côn trùng cắn.
- Chúng được chà xát lên da để giảm viêm do dị ứng, giảm phát ban do cây tầm ma (Urtica dioica) và cây thường xuân độc (Toxicodendron radicans).
- Những ứng dụng này đều không phổ biến tại Việt Nam. Vì thế, không khuyến khích áp dụng nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Mai địa thảo có ăn được không?
- Hoa ăn được và có vị ngọt. Chúng có thể được thêm vào món salad hoặc pha vào đồ uống ưa thích.
- Cây mai địa thảo là nguồn cung cấp "salep", được mô tả là 1 loại bột mịn màu trắng hoặc trắng ngà. Loại bột này thu được bằng cách sấy khô củ và nghiền thành bột. Nhìn chúng giống như tinh bột có vị ngọt và mùi hơi khó chịu. Nó được cho là rất bổ dưỡng. Vì thế, còn được pha thành đồ uống hoặc có thể thêm vào ngũ cốc và dùng làm bánh mì.
- Tuy nhiên, những cách dùng này không phổ biến và chưa được áp dụng tại Việt Nam.
Cách trồng và chăm sóc cây mai địa thảo
Nhân giống cây mai địa thảo
Gieo hạt
Mai địa thảo có thể được nhân giống bằng hạt. Có thể gieo 1 màu hoặc trộn chung các màu sắc để cho ra những luống hoa rực rỡ. Hạt giống có thể gieo trực tiếp mà không cần ngâm ủ trước.
Giá thể cần tơi xốp và thoát nước tốt. Sau khi gieo hạt, rải 1 lớp đất mỏng để lấp hạt lại. Sau khoảng 2 tuần, hạt giống sẽ nảy mầm.
Trong suốt quá trình gieo hạt, cần đặt khay hạt ở nơi không có ánh sáng. Sau khi chúng nảy mầm, cần đợi cây ra nhiều rễ, cứng cáp và khỏe mạnh thì mới tách chậu. Trong quá trình này, giữ ẩm cho hạt và cây bằng cách tưới phun sương. Tránh tưới mạnh kẻo hạt bắn khỏi đất.
Giâm cành
Việc giâm cành cũng cần tuân thủ tiêu chuẩn về giá thể, khu vực đặt chậu, phun ẩm như phương pháp gieo hạt.
Khi cắt cành, cần chuẩn bị kéo sắc, sạch. Cành giâm được vát chéo với chiều dài khoảng 15cm. Nên chọn các cành không sâu bệnh và còn 3 – 4 lá non.
Chỉ tách cây ra chậu sau khi rễ đã ăn chặt vào bầu đất. Dấu hiệu để tách cây là chúng ra rất nhiều lá mới khỏe mạnh. Sau khi tách cây, đưa cây thích nghi với ánh sáng dần dần.
Chăm sóc cây mai địa thảo hồng
Nhiệt độ và ánh sáng
Mai địa thảo phù hợp với những khu vực bán râm. Chúng nên được đặt dưới những tán cây rộng, mái hiên, ban công ít nắng. Ánh sáng trực tiếp buổi sáng hoặc chiều muộn sẽ phù hợp hơn ánh nắng gay gắt buổi trưa. Nhiệt độ phù hợp là khoảng dưới 30 độ C.
Nước tưới
Vì là thân mọng, chúng không ưa ngập úng. Vì thế, nên căn lượng nước phù hợp vào mùa mưa. Cách tốt nhất là kiểm tra mặt chậu trước khi tưới. Nên đặt cây ở nơi ít hứng mưa trong những ngày mưa bão kéo dài.
Phân bón
Ưu tiên chọn các loại phân nhẹ, phân hữu cơ không gây nóng rễ. Có thể bón phân định kỳ mỗi tuần hoặc 1 tháng tùy theo liều lượng. Nên bổ sung dinh dưỡng sau mỗi đợt rộ hoa.
Phòng trừ sâu bệnh
Việc sở hữu thân và lá mọng nước làm cho cây dễ bị thối thân, hư rễ. Vì vậy, nếu cân bằng được lượng nước tưới và ánh sáng thì hạn chế được bệnh hơn. Nên thường xuyên kiểm tra để loại bỏ cành hư ngay khi phát hiện.
Tỉa cành
Việc tỉa cành giúp cho cây sạch sẽ. Cắt tỉa những cành bị úng, lá vàng, lá già, lá héo. Ngoài ra, tỉa cành sau mỗi đợt hoa sẽ giúp cây ra nhiều nhánh mới đẹp hơn.
Tổng kết
Thoạt nhìn, hoa mai địa thảo rất mỏng manh. Bù lại cho nét mong manh ấy là vẻ đẹp yêu kiều và mùa hoa nở rộ. Việc chăm sóc cây không quá khó, chỉ cần lưu ý về lượng nước tưới để giữ cho cây được bền lâu. Vẻ đẹp mà chúng mang lại sẽ làm vui lòng bất cứ người trồng khó tính nào.
©Copyright by Moc Nhien Farm