Mai chiếu thủy cam A1
Ưa nắng nhiềuMô tả
Mai chiếu thủy có màu cam pha chút vàng nhẹ, cánh lớn hơn loại kim thanh mai mà Mộc Nhiên đang có. Hoa có 5 cánh và hình dáng dốc ngược, hương thơm đậm và thường rất sai hoa. Cây rất dễ trồng và có thể tạo hình dáng mong muốn. Đây là giống cây quen thuộc đối với người dân Việt Nam từ xưa tới nay. Chúng gắn liền với những ý nghĩa tốt lành.
- Tên khoa học: Wrightia Religiosa
- Tên tiếng Anh: Water jasmine
- Tên gọi khác: mai chấn thủy, mai trúc thủy, mai chiếu thổ
Đặc điểm của cây mai chiếu thủy
Mai chiếu thủy là cây thân gỗ có sức sống mãnh liệt. Chúng xòe ra nhiều nhánh nhỏ. Các nhánh nhỏ khá dẻo dai và mềm mại, dễ cắt tỉa. Vỏ thân xù xì, màu trắng hoặc màu xám đen.
Lá có nhiều kích cỡ khác nhau nhưng hầu hết lá đều khá nhỏ, màu nhạt và có nhiều gân đậm. Lá hình trái xoan, mọc đối xứng.
Hoa mai chiếu thủy nhỏ hơn đồng tiền xu, có 5 cánh, màu trắng. Hoa nở quanh năm, mang theo hương thơm nồng nàn quyến rũ. Mùi hương của hoa khá nổi bật, có thể thu hút sự chú ý khi nở. Hoa nở ngược, soi mình xuống đất. Vì thế chúng có tên là “chiếu thủy” hoặc “chiếu thổ”. Mỗi đợt hoa thường ra rợp cây, quanh năm nở rộ từng đợt.
Cây cho quả khô, bên trong có hạt. Quả lớn, hình nang dài, có thể dài tới 12cm. Hạt có kèm theo chùm lông màu trắng.
Một trong những nét đặc biệt của giống cây này là phần rễ. Chúng có nhiều rễ con và nhanh hút nước. Vì thế phải giữ đủ lượng nước bằng cách tưới nhiều và tưới đẫm. Cây cũng khá dễ chịu, có thể nhanh héo nhưng sẽ hồi phục lại ngay khi được bổ sung đủ nước.
Người chơi bonsai sẽ nuôi rễ nổi lên mặt chậu, và uốn cây theo hình dáng mong muốn.
Đặc điểm riêng của mai chiếu thủy màu cam
Hoa mai chiếu thủy có màu cam pha chút vàng nhẹ. Cả loại màu cam và màu trắng đều có 5 cánh và hình dáng dốc ngược. Hoa cũng có hương thơm đậm và thường rất sai hoa. Hoa nở theo từng đợt và mỗi đợt gần như rợp cả cây. Trước mỗi đợt hoa, chúng thường thay lá hàng loạt. Sau đó là từng đợt lá mới nhú ra xinh xắn.
Lá của chúng dài và lớn hơn nhiều so với kim thanh mai. Cả lá và cánh hoa đều hơi uốn nhẹ lên. Nét yểu điệu như một cô gái đang soi mình xuống dòng nước.
Phân loại mai chiếu thủy
Cây mai chiếu thủy được phân ra theo các kích cỡ lá : lá lớn, lá trung, lá kim, lá tứ
- Loại lá lớn có hoa màu trắng, hương thơm ngọt ngào. Hoa mọc thành từng chùm.
- Loại lá trung có loại xuất xứ từ Gò Công nên được gọi là nụ Gò Công. Nhưng lá trung nổi bật hơn là loại thanh mai. Cây kim thanh mai tuy ít hoa hơn nhưng hoa lớn hơn và đặc biệt thân có màu xanh tím, nổi trội so với các loại khác.
- Loại lá kim có đặc điểm riêng là rất giòn và dễ gãy. Phần đuôi lá nhọn hơn nên được gọi là lá kim. Vì thế loại này khó uốn làm bonsai nhất. Cây cực kỳ sai hoa.
- Cây mai chiếu thủy lá tứ : lá nhọn hơn kim thanh mai một chút, thường mọc ra 4 phía nên gọi là lá tứ. Nách lá thường có nhiều mầm hơn các loại khác. Lá màu xanh, trơn và ít gân hơn các loại còn lại.
Công dụng của cây mai chiếu thủy
Mai chiếu thủy chủ yếu được dùng để trang trí. Mùi hương cũng là một trong những yếu tố làm nhiều người muốn trồng. Đặc biệt hơn, chúng được chuộng trồng để tạo thành dáng cây bonsai trang trí tiểu cảnh ở sân vườn. Những cây bonsai có hình dáng độc đáo được bán với giá khá cao.
Cây bonsai còn được dùng làm quà tặng. Hình dáng của cây sẽ thể hiện những mong ước tốt đẹp dành cho gia chủ.
Cách trồng và chăm sóc mai chiếu thủy
Các cách nhân giống cây mai chiếu thủy
Nhân giống bằng hạt
Thỉnh thoảng, ở gốc cây mọc lên những cây con. Chúng nảy mầm từ hạt rớt nơi gốc. Phương pháp nhân giống bằng hạt cũng được áp dụng với cây mai chiếu thủy. Tuy tỉ lệ nảy mầm cao nhưng đặc tính cây con sẽ không chất lượng bằng phương pháp giâm và chiết cành. Vì thế, Mộc Nhiên sẽ hướng dẫn các bạn cách giâm và chiết cành mai chiếu thủy cho chất lượng tốt nhất nhé.
Phương pháp giâm cành
- Chọn cành giâm khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, đủ tuổi.
- Cắt chéo một đoạn khoảng 15cm. Bỏ bớt lá.
- Có thể ngâm vào dung dịch kích rễ nếu muốn.
- Giá thể cần tơi thoáng và đủ ẩm, thoát nước tốt.
- Cắm cành giâm vào giá thể và để ở nơi thoáng mát và không có ánh nắng chiếu vào. Luôn tưới đủ ẩm và phun sương lên cành giâm.
- Khi cành giâm nảy mầm lá mới nghĩa là cây đã ra rễ. Đợi khoảng 3 tháng để rễ và lá ra nhiều thì chuyển cây qua chậu riêng.
- Cây mới chuyển chậu cần đặt nơi ánh sáng nhẹ. Sau đó, đưa ra ánh sáng bình thường và chăm sóc như một cây con ổn định.
Phương pháp chiết cành
- Chọn cành mai chiếu thủy từ cây mẹ khỏe mạnh. Cành chiết nên cứng cáp và vững vàng.
- Cắt một khoanh vỏ khoảng 4 – 5cm rồi bóc phần vỏ cây đó ra.
- Giá thể cần chuẩn bị: gồm đất và phân chuồng hoai mục. Trộn giá thể cho sệt lại, kiểm tra độ sệt bằng cách nắm một nắm giá thể trong tay và bóp lại, nếu chúng ko rơi rớt là đạt tiêu chuẩn.
- Dùng giá thể trên bao quanh phần vỏ khoanh đã cắt, sau đó bó lại thật chặt. Có thể bó bằng vải, túi nylon hoặc xơ dừa.
- Giá thể cần phải giữ đủ ẩm. Nếu nhìn thấy có dấu hiệu giá thể bị khô thì cần tìm cách tưới nước. Khi nhìn thấy các rễ con túa ra từ bầu chiết là dấu hiệu thành công. Tuy nhiên, để chắc chắn cành chiết ổn định thì nên đợi rễ ra nhiều mới cắt nhánh chiết cho vào chậu.
- Thời gian đầu, đặt nhánh chiết (đã cho vào chậu riêng) ở nơi ánh sáng nhẹ. Dần dần đưa cây ra ánh nắng bình thường khi thấy chúng đã thích nghi tốt.
Những yếu tố cần lưu ý khi chăm sóc cây mai chiếu thủy
Nước và nhiệt độ
Cây mai chiếu thủy ưa nắng và nước. Có thể đặt chúng ngoài nắng toàn phần và bổ sung nước đầy đủ. Vào những trưa nắng gắt, có thể chúng sẽ bị héo nhưng sẽ hồi phục lại ngay khi trời dịu lại hoặc ngay khi được bổ sung đủ nước.
Cây bonsai sẽ cần lưu ý nhiều hơn về lượng nước cần bổ sung. Để chắc chắn tưới đúng và đủ, có thể cắm đũa xuống để kiểm tra xem nước có đọng nhiều ở bầu giá thể hay không.
Đất trồng và phân bón
Chúng không kén chọn đất trồng khá dễ thích nghi. Chỉ cần bổ sung phân bón hữu cơ định kỳ vài tháng 1 lần.
Cắt tỉa
Mai chiếu thủy nên được cắt tỉa mỗi năm 2 lần để cho ra nhánh mới và ra nhiều hoa. Ngoài ra, nếu trồng bonsai thì việc cắt tỉa còn để tạo dáng theo đúng ý muốn của chủ nhân.
Vị trí trồng thích hợp
Mai chiếu thủy được coi là một cây phong thủy, cây càng lớn càng có ý nghĩa mạnh mẽ. Chúng nên được đặt ở trước nhà để mang lại nhiều may mắn tới cho gia chủ.
Cây có tuổi thọ rất cao. Vì thế, chúng còn tượng trưng cho sức khỏe và vượng khí cho gia đình.
Hiện tượng vàng lá ở cây mai chiếu thủy
Đây là hiện tượng thường gặp. Chúng có nhiều nguyên nhân. Có thể do thiếu hoặc dư chất dinh dưỡng. Thiếu hoặc thừa nước cũng có thể gây vàng lá. Nếu rễ đã ăn hết bầu giá thể thì chúng cũng chuyển sang vàng lá. Như vậy, nếu cây mai của bạn bị vàng lá thì có rất nhiều điều cần phải kiểm tra lại.
Xiết nước để cây mai chiếu thủy ra hoa
Nếu muốn cây ra hoa đúng thời điểm mong muốn, cần xiết nước cho cây trong khoảng 5 – 7 ngày. Song song với việc xiết nước, cần vặt lá và ngọn, bổ sung phân bón cho cây. Sau 7 ngày, tưới lại với lượng nước vừa phải. Việc này cần làm trước thời điểm mong muốn khoảng 4 – 6 tuần.
Tổng kết
Cây mai chiếu thủy thân thuộc với người dân Việt Nam từ rất lâu. Cây bonsai thường có mặt ở sân vườn nhiều gia đình như một cách điểm tô sự duyên dáng cho không gian sống. Hương thơm ngào ngạt mỗi tối như một niềm vui cho gia đình tận hưởng. Tuy nhỏ bé nhưng chúng mang đến sự thư giãn cho nhiều người.
©Copyright by Moc Nhien Farm