Hoa cát đằng đứng B1
Ưa nắng nhiềuMô tả
Hoa cát đằng là cây bụi cao nhưng vì thân mềm dễ ngả nên có thể uốn theo ý muốn. Cây dễ chăm sóc và ra hoa quanh năm. Các mùa hoa lặp lại rất nhanh với thật nhiều đóa hoa bung ra như chiếc kèn xinh xắn. Màu tím đậm độc đáo và hiếm gặp tạo sự tò mò thú vị cho người nhìn.
- Tên khoa học: Thunbergia Erecta
- Tên tiếng Anh: Bush clock vine, Blue glory vine, Blue clock vine
- Tên gọi khác: hồng phúc thiên lý
Đặc điểm của cây hoa cát đằng
Hoa cát đằng – đặc điểm về thân và lá
Thỉnh thoảng bạn có thể bắt gặp những ô cửa sổ được bao quanh bởi những cành cát đằng duyên dáng, lá xanh bóng và rải rác hoa màu tím đậm. Màu sắc đặc biệt nổi bật làm cho ô cửa thêm vẻ lãng mạn. Cành của nó có thể ngã xuống lả lơi bên cửa, buông hững hờ những bông hoa tím.
Tuy là thân bụi đứng nhưng chúng có xu hướng ngã cành. Vì vậy, khi phát triển tới tầm 1,5 – 2m, người trồng có thể buộc cành vào nơi mong muốn để tạo bụi gọn gàng.
Lá cát đằng dày, nhỏ, có hình elip. Cuống lá dài, mép lá có răng cưa, gân lá nổi rất rõ. Lá có màu xanh đậm và có nhiều lông ở cả 2 mặt. Cây có quả và quả ăn được.
Hoa cát đằng có nhiều màu sắc khác nhau
Ở nước ngoài, loại hoa này có thêm nhiều màu sắc khác như xanh biển đậm, màu tím oải hương, màu cánh sen, trắng hoặc màu vàng. Tuy nhiên chỉ có màu tím đậm là phổ biến. Có một điểm đặc biệt ở các loài hoa màu tím là chúng thường có tên tiếng Anh bắt đầu bằng blue – màu xanh. Hoa cát đằng cũng không phải ngoại lệ dù sự lý giải cho điều này vẫn còn là một bí ẩn.
Hoa có hình dáng chiếc kèn, màu tím đậm. Họng hoa màu kem có sọc xanh, vàng nhạt hoặc sọc trắng. Hoa thường kết thành chuỗi dài. Nếu thả giàn từ trên cao, trông chúng như những chiếc mành che màu tím.
Hiện nay phổ biến loại cây dây leo cát đằng cẩm thạch với sắc tím nhạt hơn. Chúng nổi bật gấp đôi vì màu sắc lá thật bắt mắt.
Nguồn gốc và vị trí phù hợp để trồng hoa cát đằng
Cát đằng không phải dòng leo nên chiều cao của chúng chỉ ở mức vừa phải. Vì vậy, người ta chọn đặt nơi ngang tầm cửa sổ để cây mang lại một góc nhìn thơ mộng. Cây là dạng bụi cao, có thể cắt tỉa để làm thành hàng rào rất đẹp.
Cây có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới của Châu Phi, Tây Phi, Madagascar, Úc và Trung Mỹ. Cây dễ chăm sóc và ra hoa quanh năm. Mùa hoa lặp lại rất nhanh với thật nhiều bông hình ống thuôn dài.
Công dụng của hoa cát đằng
Hoa cát đằng được sử dụng trong y học như thế nào?
Hoa cát đằng là cây thuốc phong phú nhất ở các vùng khác nhau của Bangladesh. Có thông tin là chúng chứa một số hợp chất có hoạt tính an thần và giải lo âu.
Theo truyền thống, nó được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ, trầm cảm và lo lắng. Từ cơ sở đó, y học hiện đại đã có nhiều nghiên cứu hoạt động dược lý thần kinh của chúng trong việc kiểm soát rối loạn hệ thần kinh trung ương.
Lá, thân và rễ của loài Thunbergia được sử dụng làm thuốc chống viêm và hạ sốt. Ngoài ra, các loài Thunbergia đều có hoạt động chống nhiễm trùng và chống khối u, gây độc tế bào và chống oxy hóa, tống hơi, chống tiêu chảy.
Hoa cát đằng phù hợp là cây trang trí
Cây dây leo hoa cát đằng thường được trồng để trang trí ở cổng nhà, hàng rào, quanh khung cửa sổ. Đối với thân đứng, chúng lại càng dễ tìm được một chỗ phù hợp. Màu tím đậm nổi bật trên màu lá xanh đậm, tạo cảm giác thanh tĩnh và mát mẻ.
Vì thân mềm và có xu hướng ngả xuống nên khi được đặt ở sân thượng hoặc ban công thì cành rủ xuống. Tận dụng đặc tính này, có thể tạo dáng cho cây theo ý thích. Khi đó, cây trở thành chiếc rèm che bụi và giúp ngôi nhà thêm duyên dáng, thơ mộng.
Mỗi đợt hoa kéo dài và vẻ đẹp của chúng mang lại sự dễ chịu khi trời nóng bức. Vì thế, chúng còn hay được trồng ở nơi công cộng như công viên hoặc hàng rào các công ty, xí nghiệp.
Cách trồng và chăm sóc cây hoa cát đằng
Nhân giống cây hoa cát đằng
Có thể nhân giống hoa cát đằng bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành. Giâm cành sẽ cho tỷ lệ nảy mầm nhanh hơn với những đặc tính tốt nhất của cây mẹ. Vì thế, Mộc Nhiên sẽ hướng dẫn cách giâm cành hiệu quả nhất nhé.
- Chọn cây mẹ khỏe mạnh để cây con thừa hưởng những đặc tính tốt nhất. Cành giâm không sâu bệnh, đủ độ tuổi trưởng thành.
- Cắt cành giâm khoảng 20cm, tỉa bớt lá và ngâm vào dung dịch kích rễ nếu muốn nhanh ra rễ. Nếu cây mẹ khỏe mạnh thì dù không kích rễ, tỷ lệ nảy mầm vẫn rất cao nhưng thời gian sẽ lâu hơn một chút.
- Giá thể để giâm cành tốt nhất đạt tiêu chuẩn tơi thoáng. Hơn nữa, chúng cần giữ ẩm tốt nhưng không gây úng.
- Sau khi cắm cành giâm vào giá thể, cần đặt ở nơi không có nắng. Phun sương mỗi ngày để giữ cho cành giâm và giá thể luôn đủ ẩm.
- Sau khoảng 3 tuần, cành giâm bắt đầu nảy lá mới. Sau khi tròn 2 – 3 tháng, bầu rễ mới bắt đầu ổn định. Lúc này, kiểm tra bầu rễ rồi chuyển sang chậu mới để trồng như một cây giống nhỏ.
- Đưa cây giống ra ánh nắng từ từ để thích nghi dần. Không đặt cây dưới ánh nắng mạnh ngay lập tức vì sẽ gây sốc cây.
Cách chăm sóc cây hoa cát đằng
Đất trồng
Hoa cát đằng không kén đất trồng. Chúng có thể phát triển tốt ở cả những nơi đất khô cằn. Tuy nhiên, nếu trồng chậu, ưu tiên giá thể giàu dinh dưỡng, tơi xốp và thoát nước tốt.
Ánh sáng
Cây có thể chịu được nóng, vì thế nên đặt ở nơi có ánh nắng toàn phần. Càng nhiều nắng, hoa càng nhiều. Cây không giỏi chịu lạnh. Vào mùa đông, cây rụng lá và đợi tới mùa xuân thì rực rỡ trở lại.
Nước tưới
Cần lưu ý lượng nước tưới để tránh gây ngập úng cây. Vào mùa mưa, gần như không cần phải tưới. Vào mùa hè, cần tưới nước thường xuyên. Vì cây có khả năng chịu hạn nên nếu thiếu nước cây vẫn có thể chịu trong một thời gian ngắn.
Phân bón
Cây phát triển mạnh nên cần nhiều chất dinh dưỡng. Tuy vậy, chúng lại không kén loại phân bón nên có thể linh hoạt bổ sung phân bón phù hợp. Khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ.
Cắt tỉa
Cắt tỉa các cành héo úa, vặt bỏ lá vàng. Cắt tỉa sau mỗi mùa hoa để cây phát triển mạnh chuẩn bị cho một mùa hoa mới.
Tổng kết
Tuy không thơm nhưng hoa cát đằng lại có nhiều ưu điểm khác, đặc biệt về màu sắc và tính thích nghi dễ chịu. Chính những ưu điểm này làm cho cây trở thành 1 trong những lựa chọn tốt nhất để trồng trang trí trong vườn.
©Copyright by Moc Nhien Farm