Cây linh sam hồng, La Hai, lá trung A1
Ưa nắng nhiềuMô tả
Cây linh sam hiện nay được coi là loài cây cảnh có giá trị không chỉ về mặt ý nghĩa trang trí mà còn về giá trị kinh tế. Cây mang vẻ đẹp mộc mạc từ tự nhiên hoang vu cùng với nét sang trọng của hương thơm và màu sắc quý phái. Dáng cây cực kỳ ấn tượng và được đặc biệt dùng làm cây bonsai. Vì nhiều ưu điểm tuyệt vời, chúng dần trở thành một sản phẩm giá trị cao. Đừng đọc bài này nếu bạn không muốn “phải lòng” loại cây xinh đẹp này nhé!!!
- Tên khoa học: Antidesma acidum
- Tên gọi khác: sam núi, sam gai, linh sam núi, linh sam Đà Lạt, ba chia
Tổng quan chung về cây linh sam
Linh sam có giá trị như thế nào và tại sao?
Nhắc tới linh sam, người ta nghĩ ngay tới cây cảnh bonsai mang tính thẩm mỹ rất cao. Từ giá trị thẩm mỹ đó mà giá trị kinh tế cũng không hề thấp. Có rất nhiều nhóm và hội được thành lập từ niềm yêu thích riêng biệt đối với loài cây này.
Người chơi linh sam lâu năm được gọi là nghệ nhân. Họ phân biệt được các loại, từ những loại phổ biến tới hiếm hoi nhất, từ loại rừng tới các giống đột biến hay đã qua lai tạo. Nét độc đáo của giống cây này không chỉ ở màu hoa và hình dáng mà còn ở phần lõi tạo nên những đường lũa nghệ thuật. Có người gọi chúng là cây hóa thạch vì những đường nét tự nhiên đẹp mắt.
Tuy nhiên, để có một cái nhìn chung về cây linh sam, Mộc Nhiên mời các bạn lướt qua những đặc điểm cơ bản nhất đã nhé.
Nguồn gốc và đặc tính sinh trưởng của cây linh sam
Cây có nguồn gốc từ châu Á, phù hợp với nhiều khí hậu và địa hình khác nhau. Vì cấu tạo đặc biệt của rễ, chúng có thể bám ở các vách đá và khe suối. Đây là loài cây sống lâu năm, thường được thấy nhiều ở các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận… Tên của linh sam thường được gắn với đặc điểm của cây hoặc nơi mà người ta tìm thấy (ví dụ: linh sam Sông Hinh, linh sam La Hai – đây là tên địa danh).
Cây đặc biệt ưa khí hậu nóng ẩm, điều này thể hiện rõ ở những khu vực có mặt chúng. Tuy vậy, những nơi khô cằn lại càng làm cho thân thêm đặc biệt. Khi được đưa về tạo kiểu bonsai, người ta đặc biệt chú trọng tới phần lũa của thân.
Linh sam – kiệt tác nghệ thuật của mẹ thiên nhiên
Vẻ đẹp của cây linh sam ngay từ ban đầu đến từ hình dáng tự nhiên. Thoạt trông tưởng cầu kỳ mà thực ra hoàn toàn không bị con người can thiệp. Nhiều thân nhìn như cây cổ thụ vì chúng đã trải qua nhiều năm hứng mưa gió nơi rừng hoang, ven biển. Từ trên thân hình tưởng già cỗi ấy mọc ra những chiếc lá bóng mượt và hàng lớp hoa tươi tắn. Đó là những nét riêng làm nên chi phí đắt đỏ của cây lâu năm. Đứng trước một kiệt tác nghệ thuật như thế, có vẻ rất khó cưỡng mong muốn sở hữu chúng.
Những ưu điểm tuyệt vời của cây sam núi
Nét độc đáo của thân và rễ sam núi
- Thân cây: sần sùi, có nhiều sớ, vỏ có màu tối sẫm. Thân của chúng từ khi còn nhỏ đã rất chắc khỏe. Gốc nhỏ, thon gọn. Ở nơi rừng hoang, cây có thể rất cao. Đối với các loại linh sam được đem về trồng, chiều cao phổ biến từ 1 – 3m, có khi tới 5m. Cành không thẳng mà cong theo nhiều kiểu, có khi xoắn lại với nhau. Cành có khi có gai. Thân mang những đặc điểm cực kỳ giá trị, quyết định giá thành của cây.
- Rễ: với đặc thù có thể sống trên vách đá, khe suối cạn nên rễ cực kỳ chắc khỏe và có khả năng đâm xuyên vào các lớp đất đá cứng để hút nước và dinh dưỡng.
Những ưu điểm về lá, quả và hoa linh sam
- Lá cây: nhỏ, mặt trên bóng nhẵn, mặt dưới hơi xám. Kích thước lá khác nhau tùy loại, nhưng nhìn chung là loại lá nhỏ. Lá cứng, màu xanh đậm, có gân ở giữa lá, gân nổi rất rõ. Lá có hình trái xoan, hơi nhọn ở gốc, đầu hơi bầu tròn.
- Hoa: mùa hoa linh sam rải rác trong năm, cứ 1,5 – 2 tháng lặp hoa 1 lần. Cây cho hoa từ khi còn nhỏ, và ra thật nhiều hoa đồng loạt nếu dinh dưỡng ổn định. Hoa linh sam có nhiều màu khác nhau: trắng, tím than, tím nhạt, hồng… Có cây ra hai màu bông nên được gọi là hai màu. Hoa thường mọc thành chùm ở đầu cành. Chúng có mùi thơm ngọt nên càng thêm thu hút.
- Quả: khi hoa tàn, chúng tạo thành những quả nhỏ hình bầu dục. Khi còn non quả màu xanh, dần chuyển màu đỏ rồi thành màu đen khi chín. Cũng tùy cây mà hoa tàn tạo trái hoặc không.
Đặc điểm riêng của linh sam La Hai màu hồng
Hoa linh sam La Hai có màu hồng phớt nhẹ đáng yêu. Cả một cây khi bung nở hoa là sự kết hợp giữa nét mạnh mẽ của thân cành và sự mềm mại mơ màng của màu hoa. Đây là một trong những màu sắc được yêu thích nhất trong số các màu hoa linh sam phổ biến. Kích cỡ lá tầm trung, với những đặc điểm giống các loại khác.
Cách phân biệt linh sam
Có nhiều cách để phân biệt cây linh sam. Có nơi phân biệt theo kích cỡ lá. Nhiều người phân biệt theo các dòng truyền thống và đột biến. Tuy nhiên, linh sam được lai ghép rất nhiều và tạo ra nhiều giống mới liên tục nên việc phân biệt cũng chỉ mang tính tương đối. Ở bài viết này, với kinh nghiệm tìm hiểu về hoa linh sam, Mộc Nhiên chọn lọc và phân chia thành các loại đáng trồng nhất theo khu vực.
- Linh sam Sông Hinh: được tìm thấy ở vùng Sông Hinh (Phú Yên). Loại này được đánh giá là đẹp và có hoa độc đáo nhất. Cây có thể ra bông chùm. Lá của chúng lớn nhỏ tùy loại, lá đậm màu hơn so với các loại khác. Chi cành của loại này dẻo hơn. Từ giống Sông Hinh đã có nhiều loại đột biến hoặc được lai tạo, trong đó hoa linh sam 86 là giống đang hot nhất hiện nay.
- Linh sam La Hai: được tìm thấy ở La Hai (Phú Yên). Đây là dòng hoa to và rất thơm. Mùi thơm của loại La Hai nổi bật hơn nhiều so với Sông Hinh.
- Linh sam Ninh Thuận: lá dài và tròn ở đầu, phát triển chậm hơn so với các loại khác. Hoa to, nhạt màu hơn.
Ngoài ra còn có hoa linh sam Tân Phú, Nha Trang nhưng các loại này không phổ biến, đôi khi còn không được khuyến khích mua về.
Trồng cây linh sam đảm bảo khỏe mạnh và có hoa quanh năm
Những lưu ý cần thiết khi trồng linh sam
Khi nhìn cây linh sam cổ kính với những đường lũa tuyệt tác trên thân, người ta không khỏi nghĩ rằng để có được một tác phẩm xuất sắc như thế thì người chơi phải bắt đầu từ việc chiết cành cẩn trọng và tạo dáng kỹ lưỡng. Trên thực tế, những thân bonsai đẹp nhất đa phần là lấy từ rừng. Chúng mọc từ tự nhiên, lớn lên trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Những cái đẹp bắt mắt nhất ấy chính do hoàn cảnh khí hậu khó khăn tạo thành.
Tuy nhiên, nếu trồng vườn, chúng cũng như các cây cảnh khác: có thể được trồng bằng cách ươm hạt hoặc chiết cành với kỹ thuật đơn giản. Thông thường, để đảm bảo sự sinh trưởng của cây cũng như muốn cây trưởng thành nhanh hơn, người ta hay chọn cách chiết hoặc trồng từ phôi. Nếu ngay từ đầu bạn đã có ý định trồng linh sam để làm bonsai, Mộc Nhiên chia sẻ với các bạn những điều cần thiết nhất khi trồng nhé.
Giá thể như thế nào thì phù hợp?
Nếu mua cây từ vườn về, cần thay đất sớm. Khi thay đất, giữ nguyên bầu đất của vườn. Sau đó có thể chọn trồng vào chậu hoặc trồng xuống đất. Việc đầu tiên cần làm là chọn giá thể phù hợp. Linh sam đặc biệt cần độ thoát nước thật tốt, vì thế giá thể cần bảo đảm tơi xốp và không giữ nước. Mộc Nhiên khuyến khích các bạn sử dụng các nguyên liệu sau để tạo độ tơi xốp: xơ dừa, trấu, cát...
Cách kiểm tra giá thể có thoát nước tốt hay không: sau 2 ngày không tưới, giá thể ráo nước và cần phải tưới tiếp. Nếu sau 2 ngày không tưới mà bầu đất vẫn ướt thì nên thay giá thể thoáng hơn.
Chất trồng đối với cây phôi và cây từ cành chiết
Cây phôi đặc biệt nhạy cảm, vì vậy chúng cần giá thể đã qua xử lý kỹ càng. Những cách xử lý giá thể như sau:
- Trấu được hun
- Phân bò ủ hoai
- Xơ dừa đã qua xả chát, hoặc nếu có ủ một thời gian càng tốt
- Phân bón hữu cơ đã ủ hoai mục
- Ngoài ra, cát và mụn dừa sẽ tạo độ thông thoáng cho rễ
Nhiều nơi hiện nay chỉ sử dụng 100% cát để chăm cây phôi. Giá thể cát sẽ bảo đảm không có bất kỳ gì xấu ảnh hưởng tới cây phôi cả.
Cách xử lý trồng phôi linh sam hoặc cây chưa nhiều rễ
Đối với cây phôi mới mang về, hoặc cây còn yếu cần ra thêm rễ, có thể chọn cách trồng cát hoàn toàn.
Cách thực hiện:
- Đắp ụ xi măng trên nền gạch (nếu là nền đất, đặt vỏ bao xi măng và đục lỗ trên vỏ). Đặt cây/phôi vào giữa.
- Lần đầu tưới thật đẫm, phần nước dư sẽ trôi ra ngoài. Những lần sau chỉ tưới nhẹ đủ giữ ẩm.
- Không sử dụng bất kỳ phân bón hay chất kích rễ nào.
- Sau khoảng 1 – 2 tháng, cây bắt đầu ra rễ. Khoảng 6 tháng sau, khi cây cho ra 3 đợt lá thì chứng tỏ đã đủ mạnh khỏe. Lúc này mới bắt đầu bổ sung dinh dưỡng cho cây.
- Không nên tiếp tục bón phân định kỳ nếu cây chưa ra rễ nhiều ở bầu đất.
Lưu ý khi trồng chậu hoặc hạ thổ
Tiếp theo, dù là trồng chậu hay hạ thổ, cũng cần lưu ý các thao tác sau:
- Quây đất lại, đào hố ở giữa, nén chặt xung quanh. Để đất nghỉ khoảng 1 buổi. Thả cây con vào giữa rồi rải đất phủ quanh bầu cây và mặt chậu.
- Tưới nước đẫm cho lần đầu. Những lần sau, tưới phun sương, tránh để cây bị úng nước. Khi cây bắt đầu ăn rễ non ra bầu đất ngoài và ra nhánh mới, cây chắc chắn sẽ phát triển ổn định.
- Nếu trồng trong chậu, thỉnh thoảng nên thay đất cho cây. Nên thay đất khi bắt đầu mùa mưa hoặc vào mùa xuân khí hậu mát mẻ. Giai đoạn này cây đang phát triển chồi mới, việc thay đất cũng bổ sung dinh dưỡng cho cây.
- Khi thay đất, nếu không muốn thay qua chậu lớn hơn, sẽ cần rất thận trọng để cào bớt đất cũ ra. Trong quá trình cào, việc đứt rễ già hoàn toàn là bình thường. Những rễ non sẽ tiếp tục phát triển mạnh và ăn qua phần đất mới. Đối với việc thay đất mà giữ nguyên chậu, khuyến khích chỉ nên thay nhiều nhất 60% đất. Phần còn lại có thể thay tiếp sau một thời gian nữa.
Bảo đảm cho cây linh sam ra bông
Muốn cây ra bông thì cần làm các bước sau:
- Khi lá già, cứng và có màu xanh đậm, cắt nước, tuốt lá. Có thể cắt bớt những chi nhỏ không cần thiết.
- Sau khi cắt nước vài ngày, tưới và bón phân trở lại.
- Sau khoảng 2 tuần, cây sẽ ra lá non mới và đồng loạt nở hoa.
Các yếu tố cần thiết khi chăm sóc linh sam
Nước
Hoa linh sam ưa nóng ẩm, vì thế chúng cần được giữ ẩm tốt với lượng nước vừa đủ. Vào mùa nắng nóng, cần chú ý để cây không bị héo rũ.
Tuy nhiên, chúng cũng chịu được khô hạn và không ưa ngập úng. Để bảo đảm vấn đề này, chỉ cần chuẩn bị giá thể tơi xốp như ở trên đã đề cập. Đối với cây hạ thổ, chúng có thể tự phát triển rễ sâu để tìm nước dự trữ. Vì vậy, việc tưới nước cần đặc biệt chú ý với cây trồng trong chậu.
Nhiệt độ
Ánh sáng bán phần là điều kiện tốt nhất cho cây linh sam phát triển. Vào mùa nắng nóng, cần che bớt nắng cho cây và tưới nước kịp thời. Cây trồng trong chậu có thể di chuyển khi thời tiết thay đổi. Nếu hạ thổ, cần chọn khu vực tránh ánh nắng quá gay gắt.
Dinh dưỡng (bón phân)
Hoa linh sam không đòi hỏi đặc biệt trong quá trình chăm sóc về dinh dưỡng. Chỉ cần lưu ý bổ sung kali trước khi ra hoa, và bón phân sau mỗi đợt rộ hoa.
Cắt tỉa
Ngoài việc cắt tỉa cho thông thoáng để tránh bị bệnh thì việc này cần kỹ hơn với loại cây bonsai (xem bài linh sam Sông Hinh). Việc này đòi hỏi tạo dáng cho cây, cắt tỉa theo đúng hình dáng mong muốn.
Ý nghĩa và công dụng của cây hoa linh sam
Cây linh sam bonsai trang trí đẹp mắt
Giá trị lớn nhất của cây có lẽ là ở công dụng làm bonsai có giá trị cao. Đây cũng là lý do của hầu hết những người tìm kiếm và sưu tập chúng. Ngoài ra, ở những nơi công cộng hoặc các công ty, người ta trồng bonsai tạo cảnh quan đẹp và giá trị. Kiểu dáng đẹp đẽ bắt mắt của cây tự khắc làm cho người qua lại ngưỡng mộ.
Nhiều người yêu thích chúng đến nỗi trưng bày bonsai mini tại phòng làm việc. Vì cây cũng có thể hợp với ánh sáng bán râm nên có thể đặt ở nơi có ánh sáng hắt vào, thi thoảng đem cây ra nắng.
Ý nghĩa phong thủy của cây sam núi
Xuất phát từ khả năng thích nghi tốt với nhiều kiểu khí hậu và sức sống bền bỉ ở cả những nơi khô hạn, cây linh sam được ghép với ý nghĩa về sự thành đạt, may mắn. Ngoài ra, nhiều người trồng trước cửa với ý nghĩa xua đuổi tà ma, mang lại sức khỏe và sự thịnh vượng cho gia đình. Với ý nghĩa này, chúng được chọn làm quà tặng mừng khai trương hoặc tân gia.
Tổng kết
Hoa linh sam La Hai màu hồng phớt mang những ưu điểm chung của linh sam. Trong số các giống đang phổ biến hiện nay, đây là loại được chọn lựa nhiều nhất. Có khi chúng được trồng thành cây lớn để trang trí trước nhà hoặc công ty. Cũng có khi được người chơi tỉ mỉ tạo dáng thành các loại bonsai rất đẹp. Dù với cách nào chăng nữa, dù được đặt ở đâu chăng nữa, cây linh sam vẫn luôn thu hút vì nét đẹp của chúng là sự kết hợp của tự nhiên và bàn tay kỳ diệu của con người.
©Copyright by Moc Nhien Farm