Giao hàng toàn quốc, được kiểm tra trước khi thanh toán. Đảm bảo cây sống và không gãy. Hướng dẫn chăm và tên cây được gửi cùng đơn hàng. Liên hệ: 0922 90 90 22

Mộc Nhiên Farm giai đoạn 2. Phần 2: Về vườn.

Mộc Nhiên Farm giai đoạn 2. Phần 2: Về vườn.

Khu vườn này bị bỏ hoang khá lâu, một căn nhà cấp 4 đã 20 năm chưa được sửa chữa với những đường ống bị rỉ nước khắp nơi, và không có nổi một cái bóng đèn. Dân ở quanh đây lúc đó hay gọi nơi này là “đám rừng” với những cây bột ngót cao quá đầu, trước cửa nhà tầm 3m là đám mì, hàng rào dây leo chằng chịt. Buổi tối, tôi treo vài bóng đèn ngoài sân và sau vườn cho sáng, vừa ngậm được vài muỗng cơm thì đèn tắt rồi ổ điện bốc cháy, đi kiểm tra thì thấy đường dây điện cái là dây 1.0 (dây nhỏ không đủ tải), cũng tốn kha khá tiền để đi lại toàn bộ hệ thống điện. Sáng sớm, cô hàng xóm sau màn chào hỏi là một hồi nhắn nhủ đừng xịt thuốc sâu kẻo mấy con heo đẻ của cổ bị ảnh hưởng. Đêm đến tôi vắt chân lên trán suy nghĩ, mới chân ướt chân ráo vào ngành mà làm nông nghiệp hữu cơ liền thì nguy hiểm quá mặc dù tôi rất thích nông nghiệp không phân thuốc, nhưng phun thuốc thì không được, vắt não tính đủ các phương án và quyết định làm luôn nông nghiệp hữu cơ.

Tôi bắt tay vào làm với vô số chi phí phát sinh, mà những người khởi nghiệp lần đầu thường hay mắc phải hoặc dự trù kinh phí không đủ. Nào là cuốc xẻng giày ủng, ống nước máy bơm, nào là xây cầu cống để xe chạy vào, sửa chữa đường ống, xây hồ chứa nước, dựng hàng rao…Sau khi lắp xong hệ thống tưới mới biết điện ở khu vực yếu quá. Chiều chiều đang tưới cây, ông chú hàng xóm gọi ới qua “Nhất, ngưng tưới cho chú tắm heo xíu con”, ông anh nhà đối diện cũng chạy qua “em tưới giờ nào tưới cố định để anh còn tưới nữa” (máy bơm tôi chạy là máy bơm mấy nhà gần chạy không nổi). Và cho dù máy bơm bên tôi có chạy nổi thì cũng chập chờn lúc mạnh lúc yếu, mấy cục điều khiển điện tử cháy hết, nên phải ngậm ngùi chi tiền mua cái ổn áp ổn định dòng điện, và tưới cây lúc 4h-5h sáng để né giờ cao điểm dân dùng điện nhiều. Tôi ươm giống bằng hệ thống tự động, điện cúp là cây chết mà sao cái xứ này lúc đó lại hay cúp điện, mà cúp điện cũng chẳng thấy thông báo, nên lại ẳm cái máy phát điện cũ về và dĩ nhiên túi tiền tiếp tục teo lại.

Mà đã xong đâu, ở vùng này nước giếng chưa bao giờ cạn cho đến năm nay khi mà bà nội El nino xuất hiện, khiến tôi lại phải vò đầu bức tóc kiếm tiền khoan giếng. Trước đó tôi cũng thử tìm người vét giếng với hy vọng đủ nước thì khỏi khoang, chọt thử mũi đầu tiên xuống đáy giếng ông chú phán tới đá rồi (nghĩa là đào thêm không được vì đào đất thì nhanh chứ đục đá thì bao nhiêu công cho đủ), mất thêm 1 củ nhưng không đem lại kết quả. Đêm 14/02/2016 khi mà các đôi trai gái bên nhau hẹn thề buông lời ong bướm, tôi ngồi nhà nhìn chằm chằm vào cái máy khoan giếng đang chạy suốt ngày đêm. Gần 1h sáng, rút cần khoang cuối cùng lên xem, ông chú khoang giếng bảo tới cát rồi, không có nước. Tôi nói với một chút muộn phiền, rằng mai chú đem thêm cần khoan sâu xuống xíu nữa, vì cần khoan vừa hết nên chưa chắc là không khoan thêm được nữa, không có nước thì khoan cái khác. Hai ổng ra về trả lại nơi đây cái màn đêm tĩnh mịt hằng ngày, tôi ngồi đó bên tách café nhìn vào hư không. Làm nông mà không có nước thì xách giỏ đi lụm ve chai sướng hơn, có những nơi khoang 5-6 cái vẫn không có nước, khoang giếng mà cứ như đánh bạc, ở độ sâu có nước của vùng này thì cứ khoang 1 cái không có nước mất tầm 4tr. May thay số trời còn thương, sáng hôm sau ông chú gắn thêm một cần khoan thêm tầm 2m nữa thì có nước, ổng nói hôm qua tối quá ổng nhìn không rõ tưởng tới cát rồi.

Khoan giếng vào đêm lễ tình nhân.


Còn tiếp...

← Bài trước Bài sau →