Giao hàng toàn quốc, được kiểm tra trước khi thanh toán. Đảm bảo cây sống và không gãy. Hướng dẫn chăm và tên cây được gửi cùng đơn hàng. Liên hệ: 0922 90 90 22

Cây dành dành kép cao B1

Ưa nắng nhiều
25,000₫ / cây 15 cm (hình 2)
- +

Có sẵn: 0

Mô tả

Cây dành dành là một loài thực vật vừa quen vừa lạ. Chúng ta có thể đã gặp ở rất nhiều nơi nhưng lại không biết tên hoa là gì. Hoa cánh kép có các lớp cánh xoắn vào nhau nhìn ngỡ một đóa hồng nào đó màu trắng ngà. Có lúc lại nhầm với hoa nhài bởi trong các tên tiếng Anh cũng có chữ jasmine nữa. Cây dành dành không chỉ cho hoa đẹp và hương thơm mà còn có nhiều công dụng trong y học và một số ngành công nghiệp khác nữa. Mời các bạn tìm hiểu cùng Mộc Nhiên nhé!

  • Tên khoa học: Gardenia Jasminoides Ellis
  • Tên tiếng Anh: Gardenia, Cape jasmine
  • Tên gọi khác: bạch thiên hương, chi tử, chi tử, sơn chi, sơn chi tử, thuỷ hoàng chi, mác làng cương

 

Thông tin chung về cây dành dành (bạch thiên hương)

Nét sang trọng thanh thoát của hoa dành dành

Bạn sẽ không còn nhầm lẫn dành dành với các loại nhài đâu, vì mùi hương rất khác và màu sắc xanh của lá cũng rất đặc biệt. Hoa dành dành màu trắng ngà, mọc đơn hoặc thành chùm nổi bật trên nền lá màu xanh rất đậm. Lá có khi mọc đối, có khi mọc làm 3 lá nên có cảm giác mỗi đóa hoa dành dành đều được nâng đỡ bởi những chiếc lá dày dặn bao quanh. Nó gợi liên tưởng về một vị tiên nữ ngồi trên tòa sen vậy đó.

Nét sang trọng của hoa dành dành.

Ở những góc vườn rộng, người ta trồng bạch thiên hương thành từng cụm lớn để khi nở hoa, những bông hoa trắng rải rác từ cao xuống thấp làm thành một góc vườn nổi bật. Nét riêng của hoa dành dành là sự thanh thoát và quý phái. Vì thế, ta còn dễ bắt gặp nàng ở các nơi thờ phượng như đình, chùa, nhà thờ... Sự hiện diện của hoa mang lại vẻ tôn nghiêm và thanh lịch, làm cho khách viếng thăm cũng trở nên tao nhã và nhẹ nhàng.

Các loại bạch thiên hương

Các loại cây bạch thiên hương khác nhau ở chiều cao.

Bạch thiên hương (dành dành) được phân loại ra theo chiều cao – thấp với cánh hoa dạng đơn hoặc dạng kép. Cánh đơn có khoảng 6 cánh xòe đều, màu trắng. Cánh kép gồm nhiều lớp cánh xoáy vô nhau dày dặn, kích thước lớn hơn cánh đơn nhiều. Hai loại này còn khác nhau về chiều cao và kích cỡ lá, nhiều sân vườn trồng cả hai vì chúng đều rất thơm và cho màu sắc nhã nhặn. Cây phân nhánh từ gốc nên trông tán lá tròn rất đẹp.

Cánh đơn và cánh kép cũng là một nét khác biệt.

Đặc điểm riêng của cây dành dành kép cao

Loại thân bụi cao có chiều cao khoảng 2m, thân và cành có vỏ màu nâu và nhẵn. Thân vươn cao và phân thành nhiều cành rất mạnh. Trông một bụi dành dành giống như được góp lại từ nhiều nhánh bự và cứng cáp. Chúng ít phân nhánh nhỏ.

Lá mọc đối hoặc có khi xòe 3 lá ở bên dưới hoa như một tòa sen nâng đỡ những đóa hoa màu trắng. Lá màu xanh bóng đậm, nổi rõ gân lá. Lá mọc sát và ôm nhau hướng lên ngọn, nhìn như một cái bẹ lá.

Cây dành dành cao và cho hoa cánh kép.

Hoa dành dành khá to, có màu trắng kem, cánh kép đầy đặn. Chúng thường mọc đơn ở đầu cành. Cây rất siêng hoa và ra hoa quanh năm. Hoa có mùi thơm đằm và nổi bật.

Đóa hoa màu trắng được nâng đỡ bởi những chiếc lá xanh bóng đậm.

Quả dành dành có hình trứng, dài khoảng 5cm hoặc hơn. Trên quả có 6 cạnh dọc, đỉnh quả bị lõm. Quả chín có màu đỏ vàng, bên trong có hạt. Hạt có vị chua và đắng.

Quả sơn chi (dành dành) được coi là một loại quả quý. Người ta thường dùng loại quả màu nhỏ có vỏ mỏng màu vàng đỏ. Bên trong có thịt đỏ thẫm, nhiều hạt dẹt. Ngoài ra nếu bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài đi thì phần quả lộ ra màu vàng hoặc đỏ hồng. Phần quả này cũng có dược tính rất cao.

Quả dành dành hay còn gọi là quả sơn chi.

Nguồn gốc và phân b

Cây có xuất xứ từ các nước Châu Á như nước Triều Tiên, Hàn Quốc hay Nhật Bản, Trung Quốc. Ở Việt Nam, chúng chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh đồng bằng và vùng núi các tỉnh miền Trung. Hiện nay, vì nhiều lợi ích được ghi nhận rộng rãi nên chúng có mặt ở nhiều nơi trong khu vườn gia đình hoặc cảnh quan công cộng.

Lịch sử thú vị của cây bạch thiên hương

Từ thời rất xa xưa, ở Trung Quốc, hoa bạch thiên hương đã xuất hiện trên các bức tranh của Hoàng đế nhà Tống, trên các bức vẽ sơn mài hoặc đồ sứ. Mãi đến năm 1757, cây mới được nhân giống lần đầu tại Anh và thành một trong những loài cây bán chạy nhất. Năm 1762, Alexander Garden đã trồng trong vườn của ông tại Hoa Kỳ. Ông vừa là bác sĩ, vừa là nhà thực vật học, nhà động vật học người Scotland. Cái tên Gardenia chính là để tôn vinh ông.

Loài hoa sang trọng này hiện nay có mặt ở nhiều nơi và có nhiều ứng dụng hữu ích.

Công dụng của cây dành dành nói chung

Dành dành khi xưa cũng là cây mọc hoang, sau vì hoa đẹp và thơm nên được chuộng trồng làm cảnh. Vì khám phá ra các dược tính của nó nên người dân còn đem về trồng làm thuốc. Trong y học cổ truyền, chúng là một loại thuốc quý.

Cây dành dành đã được ứng dụng như một chất tạo màu tự nhiên tuyệt vời ở nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Bắc Mỹ. Đặc biệt, màu vàng của cây là chất phổ biến nhất trong các chất màu tự nhiên khác nhau vào triều đại nhà Tần và nhà Hán ở Trung Quốc.

Các bộ phận của cây dành dành đều mang lại những giá trị sử dụng nhất định.

Do đó, ngoài công dụng chữa bệnh quan trọng nhất, cây dành dành đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghiệp thực phẩm, công nghiệp dệt may và công nghiệp hóa chất.

Công dụng của dành dành trong y học cổ truyền

Thông tin chung

Bộ phận dùng

  • Cành và lá: chặt nhỏ, phơi khô, sao vàng
  • Quả: thu hoạch khi gần chín, phơi khô, tách riêng vỏ và hạt. Có vị đắng, tính hàn
  • Hạt: sao vàng, sao đen
  • Hoa: dùng tươi hoặc khô

Công dụng: thanh nhiệt, trị các triệu chứng sốt, vàng da do viêm gan, các bệnh về đường tiểu như tiểu ra máu, nôn ra máu, sưng đau, đỏ mắt, chảy máu cam.

Ứng dụng của cây dành dành trong y học.

Một số bài thuốc từ quả dành dành

Các bài thuốc trị cảm sốt

  • Cảm cúm: 30gr rễ dành dành, 30gr rễ bạch đồng nữ, 9gr cúc hoa, 15gr rễ kim ngân, 15gr rễ hậu phác, mỗi vị. Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
  • Sốt cao: 20 – 30gr vỏ quả dành dành, sắc uống; hoặc dùng 5 – 7 quả tươi, thái ngang, 20gr đạm đậu xị; sắc uống, ngày một thang.

Dành dành hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh cảm, sốt.

  • Nhiễm trùng, sốt: 12gr quả dành dành sống, 20gr sinh địa, 8gr khương hoạt, 24gr đương quy, xích thược 12gr, 20gr liên kiểu, 12gr phòng phong, 12gr cam thảo sống, 40 – 60gr hoàng kỳ, 12gr hoàng bá; sắc nước uống.
  • Thương hàn thấp nhiệt: 14 quả dành dành, 240gr nhân trần và 120gr đại hoàng. Đun nhân trần với 1 lít nước cho đến khi còn 400ml, sau đó cho dành dành và đại hoàng vào, sắc còn 300ml, uống 3 lần/ngày.

Các bài thuốc trị bệnh về mắt

  • Đau, nhức và mắt sưng đỏ: rửa sạch lá dành dành, vò nát, lấy dịch đông, bôi vào gạc sạch, đắp lên mí mắt. Đắp tới khi thấy nóng thì lật lại. Khi có cảm giác nóng lên ở miếng thuốc thì lật ngược lại, làm đi làm lại như vậy. Ngày 2 lần, mỗi lần 1 miếng thuốc.
  • Nhức đầu, mắt đau, ù tai: 20gr quả dành dành sao vàng, 16gr hạt muồng muồng sao cháy đen; sắc lấy nước uống trong ngày.

Có tác dụng với một số bệnh về mắt.

Các bài thuốc ngoài da và xương khớp

  • Vàng da do uống nhiều rượu: chi tử, hoạt thạch, nhân trần cao, xa tiền tử, tần giao, hoàng liên thảo, mục túc. Lấy lượng bằng nhau, sắc uống trong ngày.
  • Trị bỏng: dành dành nhân (chi tử nhân) đốt và tán bột, trộn với dầu mè. Đắp lên vết bỏng. 
  • Sưng đau do gãy xương: giã nát quả dành dành trộn với bạch miến, đắp vào vết thương.
  • Chấn thương, bong gân: quả dành dành sống đem tán bột, trộn với bột mì và lòng trắng trứng gà, đắp lên vết thương.

Cây sơn chi tử (dành dành) nổi tiếng với tác dụng giảm các triệu chứng đau nhức xương khớp.

Các bệnh khác

  • Ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam: 9gr chi tử (sao đen), 12gr hoa hòe (sao đen), 12gr cát căn; sắc uống trước bữa ăn, ngày một thang.
  • Tiểu ra máu: 30 – 50gr quả dành dành tươi thái ngang, sắc nước uống.

hoặc: 12gr chi tử, 12g biển súc, 12g cù mạch, 12g xa tiền tử, 12g mộc thông, 12g hoạt thạch, 6gr cam thảo, 8gr đại hoàng,. Sắc uống trước bữa ăn, ngày một thang.

  • Viêm màng tiếp hợp cấp lưu hành: 12gr quả bạch thiên hương, 12gr cúc hoa, 4gr cam thảo; sắc nước uống.
  • Viêm bể thận, viêm đường tiết niệu: 12gr quả dành dành, 12gr cam thảo tiêu; sắc nước uống.

Cây dành dành - thảo dược quý trong y học cổ truyền.

  • Viêm gan hoàng đản: 30 – 50gr cành và lá bạch thiên hương, sắc nước chia 2 lần, trước bữa ăn. Hoặc: 12gr hạt dành dành (chi tử), 30gr nhân trần, 8gr rễ chút chít. Sắc lấy nước uống trong ngày. Nên uống trước khi ăn. Uống 3 lần/ngày, 1 thang/ngày.
  • Kiết lỵ sau sinh: quả chi tử tán bột, uống với rượu nóng lúc đói, mỗi lần 1 thìa.
  • Siro nhân trần chữa vàng mắt, viêm gan: 24g nhân trần, 12gr quả dành dành, 600ml nước. Sắc còn 100ml, thêm đường. Uống 3 lần/ngày.
  • Trẻ nhỏ khó chịu trong người, biếng ăn: 7 quả chi tử, 20gr đậu xị; sắc với 1 bát nước còn 2 phần.

Công dụng của cây dành dành trong y học hiện đại

Những thí nghiệm mới

Các bộ phận và các hình thức thuốc của cây vẫn được nghiên cứu để tìm ra những ứng dụng thiết thực nhất.

Khoảng giữa thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu bắt đầu thí nghiệm về tác dụng giảm lượng sắc tố mật của cao nước và cao rượu dành dành trên thỏ và chuột bạch. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều thử nghiệm và cùng chứng minh những tác dụng ức chế sắc tố mật trong máu. Dạng nước sắc hoặc cao nước mang lại kết quả cao hơn. Ngoài ra, các thí nghiệm còn cho thấy nước sắc chi tử có tác dụng kháng sinh. (Thông tin trích từ Trung Hoa Tân Y Học Báo và Nhật Bản Dược Lý Học Tạp Chí những năm 1951 – 1954).

Một số tác dụng của dành dành theo góc nhìn của y học hiện đại

Quả dành dành chín từ lâu đã được sử dụng ở Trung Quốc trong như một loại thực phẩm và dược phẩm. Là một loại thảo dược truyền thống quan trọng và tiềm năng, ngày càng có nhiều cuộc điều tra khoa học chủ yếu tập trung vào các thành phần hóa học, hoạt tính dược lý, cơ chế hoạt động liên quan và tính an toàn trong những thập kỷ gần đây. Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng chúng có nhiều hoạt tính dược lý, ví dụ như tác động tích cực đến hệ thống tim mạch và tiêu hóa, hoạt động chống trầm cảm, hoạt động chống viêm và tác dụng bảo vệ hệ thần kinh.

Không chỉ đẹp, loài hoa này còn được y học hiện đại công nhận nhiều dược tính tốt lành.

Lưu ý khi sử dụng cây dành dành chữa bệnh

  • Những người hay ăn đồ sống bị đau bụng, dễ tiêu chảy, không nên sử dụng các loại thuốc từ cây dành dành.
  • Cần hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng các bài thuốc từ các bộ phận của cây dành dành.
  • Nếu đang mang thai hoặc cho con bú, không nên tự ý sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Nếu đang dùng các loại thuốc khác, muốn kết hợp với thuốc từ cây dành dành, nên tìm hỏi ý kiến của người có chuyên môn.

Lưu ý khi sử dụng các bộ phận của cây làm thuốc.

Ứng dụng của quả dành dành trong ẩm thực

Hạt dành dành được sử dụng để tạo màu thực phẩm, rất an toàn và dễ sử dụng. Đa phần người ta dùng loại hạt này để tạo màu vàng với các sắc độ khác nhau. Khi sử dụng làm màu thực phẩm, chúng không phá mùi vị của món ăn. Cần lưu ý khi dùng nước màu để đồ xôi, không đun nóng. Cách sử dụng này khác với các dùng màu lá cẩm.

Màu vàng tự nhiên từ quả dành dành.

Hạt dành dành khá cứng, vì vậy cần ngâm nước cho chúng mềm ra. Sau đó cần giã hạt hoặc lấy thìa tán thành bột. Hòa phần bột này với nước thì chúng sẽ tan đều.

Khi nấu xôi, để màu dành dành lên xôi được đậm và đẹp thì nên ngâm gạo riêng, giã lấy phần bột dành dành riêng. Chắt kỹ phần nước bột dành dành để không bị cặn. Sau đó trộn phần nước dành dành với gạo (đã ngâm) rồi đồ xôi. Nếu gạo chưa ngâm mà đổ chung với nước cốt dành dành thì màu sắc lên xôi không tươi tắn.

Bánh phu thê có màu vàng từ hạt.

Không chỉ xôi mà bánh phu thê Bắc Ninh cũng được nhuộm màu từ quả dành dành.

Ngoài ra, màu vàng từ hạt còn được dùng để nhuộm vải. Chúng lên màu rất đẹp và được ứng dụng trong ngành công nghiệp may mặc tại Việt Nam.

Nhuộm vải từ màu của hạt.

Ứng dụng của mùi hương

Mùi hương của dành dành mang lại sự thư thái dễ chịu nên hoa được dùng để ướp trà. Đặc biệt hơn, chiết xuất của dành dành được sử dụng để làm nhiều loại nước hoa đắt tiền. Có một số thương hiệu sử dụng chính tên Gardenia để đặt tên cho nước hoa của họ.

Mùi hương của hoa dành dành được sử dụng trong ngành công nghiệp nước hoa.

Cách trồng cây dành dành

Cách ươm cây từ hạt

  • Nếu nhà bạn có sẵn cây dành dành, bạn có thể tự trữ hạt để nhân giống. Thời điểm tốt nhất để thu hái quả vào khoảng tháng 8 đến tháng 10, khi vỏ đã vàng. Quả cần được ủ khoảng 3 ngày rồi tách lấy hạt. Hạt cần được phơi khô rồi mới bảo quản nơi thoáng mát.
  • Hạt giống nên được ngâm với nước ấm qua đêm (từ 8 – 12 tiếng). Sau đó ủ hạt ở khăn giấy ẩm, đặt chỗ tối. Sau 2 ngày hạt lên mầm nhỏ xíu thì đem trồng ra đất. Có thể bỏ qua công đoạn ủ hạt, thay vào đó gieo thẳng vào cát và tưới phun sương.

Khi hạt giống nảy mầm

  • Khi cây lên mầm và bắt đầu tách lá, bạn chỉ việc đặt chúng vào bầu đất mà thôi. Ở giai đoạn này, giá thể nên giữ cát hoàn toàn hoặc đất cát với thật ít phân bón. Khi cây cho rễ ăn hết bầu đất, có thể chuyển sang chậu lớn với giá thể thông dụng và dần dần đưa ra ánh nắng bình thường.
  • Suốt giai đoạn trên, cần giữ ẩm cho cây và tuyệt đối không để khô hoặc úng ngập. Ánh nắng chỉ nên thật nhẹ và cũng không bón thêm phân. Nếu muốn cây xum xuê, nên cắt những cành dài để chúng phân nhánh mới.

Cây con khỏe mạnh.

Cách chăm sóc cây dành dành

Đất trồng

Cây dành dành không kén chọn đất trồng, chúng khá dễ thích nghi với nhiều kiểu đất khác nhau. Tuy nhiên, nếu trồng ở vườn, nên chuẩn bị giá thể thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng. Bất kỳ loại cây nào cũng sẽ phát triển tốt nhất khi được trồng trong giá thể này. Khi cây lớn lên và rễ ăn hết bầu đất thì nên thay chậu và giá thể mới.

Trộn giá thể

Ánh sáng, nhiệt độ

Dành dành phù hợp với cả khu vực có ánh nắng toàn phần hoặc bán phần. Vào mùa nóng, cần chú ý nước tưới để giữ ẩm cho bầu đất, tránh làm rũ lá.

Lượng nước thích hợp

Cây dành dành có thể chịu hạn nhưng không chịu úng, vì thế cần chú ý lượng nước tưới phù hợp. Nên tưới cả hoa và lá. Hoa dành dành nở liên tục và rộ cây nhưng không bền lâu, vì thế khi tưới nước cần nhẹ nhàng để tránh làm hoa chóng tàn.

Chăm sóc cây dành dành

Bón phân

Với cây nhỏ, không cần bón phân liên tục. 1 – 2 tháng bón phân 1 lần. Khi cây lớn và ổn định, phát triển nhiều cành, cần bón nhiều hơn để cây cho rộ hoa.

Tổng kết

Được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, cây dành dành (bạch thiên hương) càng ngày càng được phổ biến ở khắp các vùng ở Việt Nam. Sẽ rất dễ bắt gặp một góc vườn rợp hoa trắng, mùi hương thơm thanh thoát mà nổi bật. Thật thiếu sót nếu khu vườn của bạn còn thiếu bóng dáng của loài cây quý phái này.

Cây dành dành không chỉ có sắc và hương nổi bật mà còn là nguyên liệu quý trong vườn dược liệu cũng như trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.

©Copyright by Moc Nhien Farm

Sản phẩm đề xuất

Hết hàng
Hết hàng
Hết hàng
Hết hàng
Hết hàng
 Cây dành dành kép cao B1
 Cây dành dành kép cao B1
 Cây dành dành kép cao B1
 Cây dành dành kép cao B1
 Cây dành dành kép cao B1
 Cây dành dành kép cao B1
 Cây dành dành kép cao B1