Hoa dừa cạn B1
Ưa nắng nhiềuMô tả
Mấy ai biết ngoài việc là loại kiểng có hoa, cây hoa dừa cạn còn là 1 vị thuốc được sử dụng từ rất lâu đời. Giống hoa này thường được trồng bên hàng rào, trồng thành dãy rộng hoặc xen kẽ với các loại cây khác. Chúng ra hoa thường xuyên, rất nhiều và rực rỡ. Chúng dễ trồng, ưa nắng và không tốn nhiều công chăm sóc mà vẫn cho hoa quanh năm. Những thông tin về hoa có lẽ ai cũng biết. Vì vậy, trong bài viết này, Mộc Nhiên sẽ tổng hợp thêm những kiến thức có ích về dược tính của chúng.
- Tên khoa học: Catharanthus Roseus
- Tên tiếng Anh: Annual vinca, Madagascar periwinkle, Periwinkle, Rose periwinkle, Running myrtle
- Tên gọi khác: dương giác, bông dừa, bông dừa cạn, trường xuân hoa, hoa tứ quý
Đặc điểm về cây hoa dừa cạn
Hoa dừa cạn rất phổ biến tại Việt Nam nhưng không mấy người biết chúng có nguồn gốc từ tận đảo Madagascar, Châu Phi. Chúng được trồng làm cây hoa kiểng chủ yếu vì độ sai hoa cực kỳ cao. Cây thân thảo và chỉ cao khoảng dưới 60cm. Thân mảnh và khi dài thì dễ ngả ra đất. Vì thế, chúng được kiểm soát để cành ngắn và nhiều hoa. Đây là 1 trong những loài cây trồng xen kẽ, trồng viền và phủ mặt đất mạnh mẽ nhất.
Cây hoa dừa cạn cho lá thuôn hình bầu dục, có đường sống lá rất rõ. Hoa thường nở thành từng cụm vài bông với các màu đỏ, hồng, tím và trắng. Màu đỏ có nhiều loại, trong số đó sắc độ đỏ thẫm hơi tím là nổi bật nhất. Có loài có nhụy màu, có loài không. Hoa có 5 cánh, cánh mỏng và mịn với độ loang màu nhẹ. Không chỉ siêu dễ trồng mà cây còn cho hoa gần như quanh năm. Đây cũng là ưu điểm khiến chúng là 1 loài hoa rất phổ biến và được yêu thích.
- Tham khảo thêm 2 sắc màu khác của hoa dừa cạn.
Hoa dừa cạn có kết trái và có hạt. Những hạt này rơi xuống đất sẽ mọc thành cây con. Vì thế, chúng có thể được nhân giống theo cách này.
Một điều thú vị là loại hoa xinh xắn này chính là 1 loại thảo dược mang lại nhiều lợi ích. Chúng nằm trong danh sách thuốc Đông y với nhiều bài thuốc chữa bệnh.
Tác dụng y học của cây hoa dừa cạn
Thông tin chung
- Bộ phận sử dụng: lá, ngọn.
- Cách sử dụng: sắc nước, để khô làm trà, giã đắp lên vết thương, làm thành cao lỏng
- Tính chất: mát, đắng, hỗ trợ thải độc, an thần.
Cây dừa cạn có chứa chất vinblastine. Đây là một hoạt chất hỗ trợ chữa trị bệnh ung thư hiệu quả, thường được dùng dưới hình thức tiêm. Tuy nhiên, hàm lượng trong chúng khá ít: khoảng 500kg lá cây dừa cạn khô sẽ cho 1g vinblastine. Ngoài ra, alkaloid trong loại cây này giúp ngăn ngừa và điều trị các khối u. Toàn bộ cây dừa cạn có tính kháng khuẩn và chống nấm. Vì thế, chúng hỗ trợ trị nhiều bệnh về tiêu hóa, đường tiểu, thận.
Một số bài thuốc từ cây hoa dừa cạn
Bệnh mất ngủ
Chuẩn bị 20gr lá dừa cạn, 12gr lá vông nem, 12gr hạt muồng sao đen. Sắc hỗn hợp này và uống trước khi ngủ.
Chứng đái tháo đường
- Cách 1: nguyên liệu cần 10gr hoa dừa cạn kết hợp với 20gr dây thìa canh. Sắc hỗn hợp uống sau ăn.
- Cách 2: 20gr cát căn, ,16gr lá dừa cạn, 16gr hoài sơn, 12gr mỗi vị khiếm thực, khởi tử, thạch hộc, sơn thù, 10gr mỗi vị đan bì và ngũ vị. Sắc hỗn hợp này với 600ml, cho tới khi còn 300ml. Uống trong 7 ngày. Mỗi ngày 2 lần.
Ung thư
Nguyên liệu: 15gr dừa cạn, 30gr xạ đen. Sắc với 1 lít nước. Khi còn khoảng 700ml thì để nguội dùng sau bữa ăn 30 phút. Mỗi ngày 3 lần.
Bệnh bạch cầu lympho cấp
Dịch chiết vinblastin sulfat từ lá của cây hoa dừa cạn được sử dụng để tiêm cho bệnh bạch cầu cấp. Nên sử dụng với chỉ định của bác sĩ.
Huyết áp cao
Người huyết áp cao có thể uống nước từ lá cây hoa dừa cạn được hãm thành trà. Liều sử dụng: 50gr/ngày.
Ngoài ra, có thể kết hợp với lá dâu để nấu nước. Hoặc sử dụng bài thuốc sau: 160gr mỗi vị dừa cạn, cỏ xước, 140gr cam thảo đất, 120gr đỗ trọng, 180gr lá đinh lăng, 150gr hoa hòe, 100gr chi tử. Đem các nguyên liệu trên sao khô, tán mịn, khi cần dùng thì hãm với nước sôi rồi uống.
Bệnh zona
- Thuốc nấu: 16gr mỗi vị dừa cạn, cam thảo đất, thổ linh, nam tục đoạn, hạ khô thảo, 10gr mỗi vị chi tử, bạch linh, 12gr kinh giới. Sắc uống ngày 3 lần.
- Thuốc đắp: lá dừa cạn và lá cây hòe giã nát, đắp lên chỗ vết thương. Bài thuốc này cũng có thể trị đau nhức.
Bế kinh
Lá của cây hoa dừa cạn khi kết hợp với một số nguyên liệu khác sẽ cho bài thuốc hiệu quả. Nguyên liệu có dừa cạn, chỉ xác, hồng hoa, huyết đằng, hương phụ, tô mộc, trạch lan, nga truật. Uống 2 lần trong ngày.
Bệnh trĩ
Nguyên liệu gồm 20gr mỗi vị dừa cạn, cỏ mực, 16gr mỗi vị phòng sâm, bạch truật, 10gr mỗi vị trần bì, thăng ma, sài hồ, 12gr mỗi vị đương quy, cam thảo. Sắc uống ngày 3 lần, trong 10 ngày. Nếu chưa hết thì tạm ngưng vài hôm rồi tiếp tục 10 ngày tương tự.
Hoa dừa cạn và những lưu ý quan trọng khi sử dụng
- Nếu dùng làm thuốc, cần tìm nguồn nguyên liệu sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu.
- Chỉ nên sử dụng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc, với liều lượng phù hợp. Lưu ý nếu có tác dụng phụ phải tham khảo bác sĩ ngay. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra: mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, giảm bạch cầu, chán ăn.
- Không nên dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Người huyết áp thấp không được sử dụng.
Cách trồng và chăm sóc cây hoa dừa cạn
Nhân giống cây hoa dừa cạn
Có thể nhân giống cho hoa dừa cạn bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành. Nếu nhân giống, nên lựa chọn hạt giống chắc khỏe và được ngâm nước ấm trước khi đem gieo. Nếu giâm cành, chọn cành khỏe mạnh, đủ tuổi trưởng thành.
Các tiêu chuẩn cần thiết khi gieo hạt và giâm cành:
- Giá thể cần sạch và tơi, giữ ẩm tốt và thông thoáng.
- Luôn giữ ẩm giá thể sau khi gieo hạt hoặc giâm cành. Sử dụng vòi phun sương để phun nhẹ lên mặt đất và cành giâm. Đặt khay giâm, khay hạt ở nơi kín gió, thoáng mát và không có ánh sáng.
- Khi hạt nảy mầm hoặc cành giâm ra mầm mới, khoan hãy chuyển chậu. Đây là lúc cần dưỡng rễ để rễ ra nhiều và cắm chặt vào giá thể. Chỉ khi cây con đã lớn và bầu rễ đã chắc chắn mới đem ra chậu riêng. Trong vòng 1 tuần đầu sau khi chuyển chậu, không đặt cây ở nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp.
Cách chăm sóc hoa dừa cạn
- Thân và cành của cây hoa dừa cạn khá mềm. Vì thế khi tưới nước cần để chế độ phun nhẹ. Đồng thời, căn lượng nước vừa đủ để tránh bị ngập úng. Chỉ nên tưới khi thấy bầu đất đã hơi khô và không nên tưới về chiều muộn.
- Hoa dừa cạn ưa ánh sáng và cũng có thể ra hoa ở nơi bán râm. Vì thế, chúng phù hợp với nhiều vị trí khác nhau. Chúng hay được trồng ở chân hàng rào, đường viền khu công cộng. Cây cũng hợp để trồng ban công ít nắng. Chúng dễ đặt xen kẽ các loài cây khác và màu sắc hoa sẽ làm cho khu vườn thêm sinh động.
- Nên bón phân thường xuyên, khoảng 2 tuần/lần. Pha loãng phân hoặc bón xa gốc.
- Cần cắt tỉa những cành dài để tránh làm cây ngả rạp. Việc cắt tỉa cũng giúp cho cây ra nhiều nhánh, xum xuê và nhiều hoa hơn.
Tổng kết
Được biết đến như loài hoa làm đẹp khu vườn, cây dừa cạn rất được ưa chuộng. Nay chúng còn nổi tiếng hơn vì những tác dụng y học hiệu quả. Cho dù là để làm đẹp hay để làm thuốc, loài hoa giản dị này đều có một chỗ đứng giá trị trong lòng người yêu cây cỏ.
©Copyright by Moc Nhien Farm